image banner
Kiến nghị yêu cầu chỉ đạo khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự
Lượt xem: 690
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (thời điểm từ 01/10/2018 đến 28/02/2019), VKSND tỉnh Hà Nam nhận thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được, TAND các huyện, thành phố vẫn còn để xảy ra một số vi phạm, thiếu sót trong công tác xét xử hình sự, đó là:  
          1. Bản án chưa áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:
          Bản án hình sự số 52 ngày 04/10/2018 của TAND huyện Thanh Liêm xét xử bị cáo Hoàng Văn Biền và đồng phạm về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 điều 321 BLHS. Trong vụ án này bị cáo Trần Văn Hà và Bạch Văn Quế đã bỏ trốn, đến ngày 14/5/2018 và ngày 25/6/2018 Trần Văn Quế và Bạch Văn Hà ra đầu thú nhưng bản án không nhận định cho 02 bị cáo này được hưởng tình tiết giảm nhẹ đầu thú theo quy định tại khoản 2 điều 51 BLHS là chưa đầy đủ.
          Khoản 2 điều 51 BLHS quy định “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú... là tình tiết giảm nhẹ…
Ngoài ra tại mục 6 trang 2 phần lý lịch bị cáo Bạch Văn Quế có ghi “…Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 03/5/2018, đến ngày 12/5/2018 được hủy bỏ biện pháp tạm giữ” là không chính xác vì trên thực tế bị cáo bạch Văn Quế không bị tạm giữ ngày nào. Tại bản Cáo trạng số 53/CT-VKS ngày 17/8/2018 của VKSND huyện Thanh Liêm thể hiện rõ trong lúc bắt quả tang, lợi dụng sơ hở Bạch Văn Quế đã chạy thoát, đến ngày 14/5/2018 đến cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Liêm đầu thú và bị cáp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”.
          2. Bản án ghi không đầy đủ thành phần tham gia phiên tòa; ý kiến của người tham gia phiên tòa; tuyên không ghi rõ áp dụng theo điểm nào của Bộ luật hình sự:
          - Bản án hình sự sơ thẩm số 76 ngày 31/10/2018 của TAND huyện Duy Tiên xét xử bị cáo Hoàng Văn Nghĩa phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Trong phần nội dung bản án có ghi ý kiến của trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo nhưng phần mở đầu của bản án lại không thể hiện sự có mặt của người này tại phiên tòa.
          - Bản án hình sự số 09 ngày 28/02/2019 của TAND huyện Duy Tiên xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hiển về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Phần đầu bản án thể hiện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Phạm Thị Thu Hà có mặt tại phiên tòa nhưng phần nội dung bản án không ghi ý kiến của chị Phạm Thị Thu Hà đối với chiếc xe môtô nhãn hiệu Hon đa Vision.
          - Bản án Bản án hình sự số 77 ngày 31/10/2018 của TAND huyện Duy Tiên xét xử bị cáo Dương Văn Vinh phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 điều 260 BLHS nhưng trong phần quyết định của bán án không ghi rõ áp dụng theo điểm nào của khoản 1 điều 260 BLHS.
          Những thiếu sót nêu trên đã vi phạm vào khoản 2 điều 260 BLTTHS, quy định:
“2. Bản án sơ thẩm phải ghi rõ:
a) … họ tên của người bào chữa… và những người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa

c) Ý kiến của… người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập
d) Nhận định của Hội đồng xét xử phải phân tích chứng cứ … nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự…”
          3. Bản án hình sự sơ thẩm tuyên trách nhiệm dân sự; quyền kháng cáo của người tham gia tố tụng chưa chính xác: 
         - Bản án hình sự sơ thẩm số 165 ngày 26/12/2018 của TAND thành phố Phủ Lý xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thanh phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 2 điều 260 BLHS. Bản án nhận định tại phiên tòa sơ thẩm anh Trần Ngọc Dũng là đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự và nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại của anh Vũ Quang Sự và ông Vũ Văn Thịnh vì đã giao phương tiện là chiếc xe mô tô cho bị cáo Nguyễn Văn Thanh tham gia giao thông gây ra tai nạn. Việc TAND thành phố Phủ Lý không chấp nhận yêu cầu xem xét nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại của anh Trần Ngọc Dũng và xác định tư cách tham gia tố tụng của ông Vũ Văn Thịnh và anh Vũ Quang sự là người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan trong vụ án này là chưa chính xác; đã vi phạm vào khoản 4 điều 601 Bộ luật dân sự và tinh thần tại điểm d khoản 1 tiết 1 mục III của Nghị quyết số 03 ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. 
Khoản 4 điều 601 BLDS quy định:
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”
Điểm d khoản 1 tiết 1 mục III của Nghị quyết số 03 ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn:
“Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.”
          - Bản án hình sự số 07 ngày 26/2/2019 của TAND huyện Duy Tiên phần mở đầu bản án ghi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa; một trong những đại diện hợp pháp của người bị hại là anh Hoàng Tuấn Anh có mặt tại phiên tòa nhưng phần tuyên quyền kháng cáo lại ghi “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người đại diện của người bị hại vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niên yết” là chưa chính xác và còn tuyên thiếu quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại có mặt tại phiên tòa.
          4. Một số thiếu sót khác:
         - Bản án hình sự sơ thẩm số 80 ngày 15/11/2018 của TAND huyện Duy Tiên xét xử bị cáo Phương Khánh Huy và đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong lý lịch bị can của Phương Khánh Huy thể hiện ngày 23/12/2013 bị cáo Phương Khánh Huy bị TAND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái ra quyết định đưa vào Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh Yên Bái nhưng trong bản án phần lý lịch bị can Phương Khánh Huy không thể hiện bị cáo có nhân thân như đã nêu trên.
          - Bản án hình sự số 01 ngày 17/01/2019 của TAND huyện Thanh Liêm xét xử bị cáo Đoàn Văn Trung phạm tội “Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 điều 173 BLHS. Phần nội dung bản án ghi “chiếc dây lắc bạc mặt đá có trọng lượng 1,5 chỉ có giá trị 400.000 đồng (bốn trăm nghìn đồng); chiếc lắc bạc có đốt khúc có trọng lượng 02 chỉ có giá trị 700.000 đồng (bảy trăm nghìn đồng là chưa chính xác theo Kết luận định giá tài sản số 74 ngày 16/12/2018 của Hội đồng định giá tài sản thuộc UBND huyện Thanh Liêm định giá “chiếc dây lắc bạc mặt đá có trọng lượng 1,5 chỉ có giá trị 40.000 đồng; chiếc lắc bạc có đốt khúc có trọng lượng 02 chỉ có giá trị 70.000 đồng”.
          Nguyên nhân của thiếu sót, vi phạm là do: Thẩm phán, Thư ký được phân công thụ lý giải quyết các vụ án cụ thể trách nhiệm chưa cao; chưa nghiên cứu kỹ và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật. Việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện vi phạm của lãnh đạo được phân công phụ trách trực tiếp trong từng vụ án cụ thể thiếu sâu sát, chưa thường xuyên, kịp thời.
          Để bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, ngày 8/4/2019 Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam đã ban hành kiến nghị số 670 yêu cầu ông Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình chỉ đạo TAND các huyện, thành phố để xảy ra những vi phạm, thiếu sót nêu trên kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, nâng cao chất lượng công tác xét xử các vụ án hình sự trong thời gian tới.
Phòng 7
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1