Để chuẩn bị cho việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân, cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Lắm - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc lên báo cáo với Hồ Chủ tịch để xin Người cho ý kiến. Khi nghe trình bày về dự thảo Luật Tổ chức của ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với dự thảo trên nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1959 đã quy định. Hồ Chủ tịch căn dặn: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Viện kiểm sát phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ đó; đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Là Cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ đã nói: Cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân được thành lập, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã Chỉ thị toàn Ngành kiểm sát phải triển khai thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ.
Mười chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn ngành Kiểm sát nhân dân được xem như là "kim chỉ nam", là mục đích mà người cán bộ kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong suốt cuộc đời.
Năm đức tính gói gọn trong một câu nói tưởng chừng như rất đơn giản nhưng để thực hiện được tốt đòi hỏi một sự nỗ lực không hề nhỏ đối với từng cán bộ, kiểm sát viên trong Ngành.
- Chuẩn mực đầu tiên Bác dạy người cán bộ Kiểm sát phải công minh: nghĩa là phải luôn công bằng và sáng suốt trong công việc. Khi thực hiện chức năng, nhiệm phải luôn theo đúng lẽ phải, không thiên vị, giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn, không sai lầm. Không vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng.Không vì bất kỳ sự tác động nào mà nao núng, thiên vị dẫn đến giải quyết công việc có điều khuất tất, bất công.Như thế mới có thể thực hiện tốt trách nhiệm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ công lý mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
- Chuẩn mực tiếp theo mà Bác yêu cầu đối với cán bộ Kiểm sát đó là Chính trực: Không chỉ công minh mà theo Bác, người cán bộ Kiểm sát còn phải chính trựctrong công việc. Để chính trực đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong công việc của mình phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, không gian dối. Được giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”. Người cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không chần chừ, do dự, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Từ chuẩn mực trên nên để bảo đảm sự công minh, chính trực, Bác Hồ yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải rèn luyện ý thức, tác phong và phương pháp làm việc một cách khách quan, thận trọng và khiêm tốn.
- Tính khách quan của người cán bộ Kiểm sát biểu hiện ở chỗ, khi giải quyết công việc, người cán bộ Kiểm sát phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng sự thật khách quan, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật. Không thể vì định kiến cá nhân hay những tác động tiêu cực mà có cái nhìn phiến diện, chủ quan trong xử lý công việc.
- Tính thận trọng đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát khi giải quyết các vụ việc cụ thể phải cân nhắc, suy tính thật cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh sai sót khi đưa ra quyết định giải quyết. Thận trọng còn giúp người cán bộ Kiểm sát chống lại căn bệnh qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, tắc trách.
- Ngoài ra, Bác Hồ còn yêu cầu người cán bộ Kiểm sát còn phải có tác phong khiêm tốn. Sự khiêm tốn đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát phải rèn cho mình ý thức và thái độ đúng mực trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân; không tự mãn, tự kiêu, không tự lấy làm thoả mãn về những gì mình đã đạt được; không tự đánh giá mình quá cao mà tỏ ra coi thường người khác; không quan liêu, cửa quyền, hống hách.
Để xây dựng vị thế của Ngành ngày càng vững mạnh, từng cán bộ, Kiểm sát viên phải tự rèn luyện, không ngừng trau dồi kiến thức, năng lực của mình sao cho đủ đức, đủ tài để đảm đương nhiệm vụ và được nhân dân tôn trọng, tin yêu, phải thực hiện cho tốt phong trào xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên không chỉ “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”... mà hơn hết chúng ta cần ghi nhớ lời Bác dạy cán bộ kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".