Hội nghị trực tuyến sơ kết 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA_TANDTC ngày 27/8/2010 về trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Thứ hai - 09/12/2013 03:15 1.742 0
Sáng ngày 04 tháng 12 năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01 ngày 27 tháng 08 năm 2010 của VKSNDTC – BCA – TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung với 66 đầu cầu trên toàn quốc dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Công Phàn - Phó viện trưởng VKSND tối cao.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại hội nghị
 
  Tại đầu cầu VKSND tỉnh Hà Nam dự, chủ trì Hội nghị có đồng chí Vũ Hoài Nam – Phó Viện trưởng VKS tỉnh, các đồng chí lãnh đạo và KSV các phòng nghiệp vụ 1,2,3,4, văn phòng tổng hợp và thống kê tội phạm, Viện trưởng 6 VKS cấp huyện, thành phố.
 
Toàn cảnh tại điểm cầu VKSND tỉnh Hà Nam
 
  Theo dự thảo báo cáo của Vụ 1C - VKSND tối cao nêu rõ: Qua 3 năm (từ 1/9/2010 đến 1/8/2013) thực hiện Thông tư liên tịch số 01, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã được nâng cao rõ rệt, góp phần hạn chế tỷ lệ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, chặt chẽ hơn; hạn chế được tỉ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt hạn chế được việc trả hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết vụ án không cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết án vẫn còn tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó có những vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung do VKS thiếu trách nhiệm. Trong 3 năm tổng số VKS các cấp trả hồ sơ cho cơ quan điều tra được chấp nhận là 3.861 vụ, chiếm tỉ lệ 2,05%; số vụ Tòa án trả hồ sơ cho VKS được chấp nhận là 4.518 vụ/187.620 vụ VKS truy tố, chiếm tỷ lệ 2,41%. Tỷ lệ trả hồ sơ bình quân chung là 2,23%. Riêng ở Hà Nam, trong 3 năm VKS 2 cấp trả hồ sơ cho cơ quan điều tra 12 vụ/1.624 vụ kết thúc điều tra đề nghị truy tố chiếm 0,74%; số vụ Tòa án trả hồ sơ cho VKS được chấp nhận 16 vụ/1.556 vụ đề nghị truy tố chiếm 1,03%; tỉ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung là 0,88%.
Hội nghị đã nghe 12 ý kiến tham luận của các VKS địa phương và các Vụ nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao như: Vụ 1C, Vụ 1, Vụ 2, VKS Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Long An, Phú Thọ, Nghệ An…; trong đó các ý kiến tập trung vào những việc chưa làm được, những vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp nhằm hạn chế việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
Kết thúc Hội nghị đồng chí Trần Công Phàn kết luận: Chế định trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết, nhằm làm cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng đắn, đầy đủ hơn; có tác dụng vừa chống oan, vừa chống bỏ lọt tội phạm. Qua 3 năm thực hiện Thông tư số 01 đã đem lại kết quả tốt, tỉ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung trên toàn quốc giảm nhiều (cơ bản dưới 6%). Tuy vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tiếp tục có biện pháp hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhất là những vụ do VKS không làm hết trách nhiệm. Để phát huy hiệu quả của Thông tư liên tịch số 01 hạn chế đến mức thấp nhất án trả hồ sơ để điều tra bổ sung đồng chí Phó Viện trưởng VKS tối cao yêu cầu VKS các cấp cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Chỉ đạo và làm tốt việc nắm, quản lý, phân loại giải quyết tin báo tố giác tội phạm.
- Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án.
- Vụ 1C tổng hợp các ý kiến tham luận của các đơn vị để hoàn chỉnh báo cáo và qua hội nghị này có kiến nghị liên ngành trung ương khắc phục, sửa đổi Thông  tư 01 cho phù hợp với luật hình sự và luật tố tụng hình sự.

Tác giả: Đỗ Thị Hải Quy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây