Phòng 9 - VKS tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm đối với vụ án “chia di sản thừa kế”

Thứ sáu - 22/06/2018 02:47 716 0
Thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2018, ngày 11/6/2018 Phòng 9 – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Tòa án tỉnh tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm thông qua hệ thống camera giám sát phiên tòa đối với vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa: nguyên đơn bà Ngô Thị Ký (SN 1952), địa chỉ: thôn Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với bị đơn anh Bùi Văn Toản (SN 1962) và anh Bùi Văn Tiến (SN 1965), cùng địa chỉ: thôn Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và 07 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
         Dự và chủ trì rút kinh nghiệm có đồng chí Phan Văn Minh – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Phòng 9 và VKSND huyện, thành phố trực thuộc.
 
Toàn cảnh phiên tòa trực tuyến
 
           Tóm tắt nội dung vụ án:
           Ông Bùi Văn Hoàn (SN 1938) và vợ là bà Bùi Thị Vín (SN 1937) sinh được 05 người con, gồm: Bùi Thị Hạnh (SN 1958), Bùi Văn Toản (SN 1962), Bùi Văn Tiến (SN 1965), Bùi Thị Vinh (SN 1968), Bùi Thị Hường (SN 1978). Ông Hoàn, bà Vín có tài sản chung là thửa đất diện tích 450m2 tại xóm 8, thôn Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, trên đất có căn nhà cấp 4 ba gian, tường gạch, mái tranh và bếp vách đất, lợp tranh. Theo bản đồ địa chính xã Bạch Thượng lập năm 1986 thửa đất ghi tên Hoàn, diện tích 450m2 (đất thổ cư: 180m2, đất thổ canh 270m2).
          Năm 1982 bà Vín chết không để lại di chúc. Năm 1984 ông Hoàn kết hôn với người vợ thứ hai là bà Ngô Thị Ký, hai người sinh sống tại nhà đất trên và sinh được hai cô con gái là Bùi Thị Xuân (SN 1985) và Bùi Lệ Thủy (SN 1988).
         Năm 1984, ông Hoàn cùng bà Ký và các con tiến hành sửa chữa, tôn tạo ngôi nhà 3 gian thành 4 gian, giữ nguyên phần tường và xây cao hơn, dỡ bỏ mái tranh, lợp mái ngói (đối với xà, rui, mè, gạch và mái ngói có từ lúc cụ Vín còn sống, chưa kịp sửa chữa nhà thì cụ Vín chết), ngoài ra ông Hoàn xây thêm gian bếp soải theo gian buồng xuống. Quá trình sửa nhà, ông Hoàn phải vay Ngân hàng 2.000.000đ.
         Năm 1998 ông Hoàn chết để lại di chúc đề ngày 17/5/1998 với nội dung: “để lại cho 2 anh con trai mỗi anh một gian nhà ngoài, còn gian giữa để cho anh con trưởng để thờ cụ và còn một gian buồng để lại cho bà và 2  em gái nhỏ. Sau này các em đi xây dựng và bà mất đi thì gian buồng đó sẽ thuộc vào quyền sử dụng cùng 2 anh con trai. Nếu trường hợp mà trong hai em có em nào không đi xây dựng gia đình được thì các em có quyền ở đấy, nếu anh nào muốn sử dụng tất cả gian buồng thì làm trả em một gian ở thổ khác để em nó có chỗ ở. Còn về công nợ bà phải có trách nhiệm trả hết nợ ngoài cả thóc và tiền kể cả nợ của họ mạc, riêng nợ ngân hàng thì 2 anh con trai phải trả đỡ hộ khi đến hạn mỗi anh 1 triệu tiền gốc.”. Di chúc có chữ ký của ông Hoàn, bà Ký, anh Toản và ông Bùi Văn Man đại diện nội tộc chứng kiến.
          Từ khi ông Hoàn chết bà Ký cùng 2 con gái ở đó trông coi nhà cửa và xây thêm 01 bể lọc, 01 nhà tắm. Thực hiện Kế hoạch 566/KH-UB ngày 05/8/2003 của UBND tỉnh Hà Nam, bà Ký đứng ra kê khai và được Hội đồng đăng ký đất đai xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên xây dựng phương án xử lý hợp pháp hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Ký, được UBND huyện Duy Tiên phê duyệt tại Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 27/6/2005. Ngày 22/5/2006, UBND huyện Duy Tiên đã cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Ngô Thị Ký tại thửa số 14, tờ bản đồ PL6, diện tích 471m2, trong đó sử dụng riêng 456m2 (đất ở: 450m2, đất vườn 6m2), đất UB 15m2.
          Năm 2010 hai con gái bà Ký đi lấy chồng. Năm 2011, ông Toản cho con trai là Bùi Văn Toàn và vợ con anh Toàn vào ở tại nhà đất trên cùng bà Ký. Anh Toàn đã xây thêm 01 nhà tắm, 01 nhà vệ sinh, 01 gian buồng, 01 lán xe, 01 giếng khoan, 01 bể lọc nước, 01 chuồng lợn và trồng 3 cây sưa đỏ, 01 cây vối, 02 cây táo. Từ đó giữa bà Ký và gia đình anh Toàn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Nay, bà Ký khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Chia di sản thừa kế của cụ Hoàn để lại là thửa đất số 14, tờ bản đồ PL 6, diện tích đất 471m2 tại xóm 8, thôn Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên và tài sản trên đất theo pháp luật. Bà xin được hưởng bằng hiện vật. Đồng thời, yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất số 14, diện tích 471m2 mang tên hộ bà Ngô Thị Ký do UBND huyện Duy Tiên cấp ngày 22/5/2006.
          Nhận thấy vụ án có đa dạng người tham gia tố tụng, yêu cầu khởi kiện mang tính phổ biến điển hình ở địa phương, bảo đảm các tiêu chí để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vì vậy Phòng 9 đã chủ động báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm thông qua hệ thống camera giám sát phiên tòa với thành phần mở rộng đến VKS huyện, thành phố trực thuộc. Trên cơ sở kết quả tranh tụng và ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phù hợp với quan điểm đường lối giải quyết vụ án của VKS.
        Sau phiên tòa, đồng chí Phan Văn Minh – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm. Các ý kiến phát biểu đều có chung nhận xét, đánh giá việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm nêu trên thực sự ý nghĩa. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án đã làm tốt công tác chuẩn bị, nghiên cứu nắm chắc nội dung, tài liệu chứng cứ, xây dựng báo cáo đề xuất đường lối giải quyết, chuẩn bị kỹ các vấn đề cần hỏi đương sự và nội dung Bài phát biểu. Tại phiên tòa Kiểm sát viên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong tố tụng dân sự; tác phong đĩnh đạc, giọng nói mạch lạc, xử lý tốt các tình huống phát sinh, chủ động tham gia hỏi để làm rõ nội dung vụ án giúp cho HĐXX nắm bắt tình tiết của vụ án để phán quyết; kịp thời bổ sung vào bài phát biểu những tình tiết, diễn biến phát sinh tại phiên tòa, đồng thời phân tích, lập luận, đưa ra các căn cứ pháp luật để đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Bên cạnh đó các ý kiến đã góp ý với Kiểm sát viên về một số tình tiết HĐXX chưa hỏi cần phải hỏi thêm để làm rõ giúp cho HĐXX có cơ sở phán quyết và phục vụ kiểm sát bản án của VKS.
         Thông qua phiên tòa đã giúp cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tham dự học hỏi, tích lũy nghiệm trong việc xử lý tình huống, ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa; đồng thời nâng cao nhận thức về áp dụng pháp luật trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án chia di sản thừa kế./.
 

 

Tác giả: Trần Thị Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây