Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lý Nhân: Khoảng 14 giờ ngày 01/01/2021, tại đường QL38B thuộc địa phận thôn 2 Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Nguyễn Anh Đức (có giấy phép lái xe theo quy định), sinh năm 1981, trú tại số nhà 93, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam điều khiển xe ô tô tải BKS: 90C- 074.29 chở quá tải trọng 100,5%, đi đến nơi đường bộ giao nhau cùng mức và có biển cảnh báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn dẫn đến để xe ô tô BKS 90C- 074.29 đâm va vào xe đạp điện do cháu Phạm Thị Phượng điều khiển chở cháu Nguyễn Thị Hồng Ngọc ngồi phía sau, đi hướng từ đường bê tông thuộc thôn 3, xã Công Lý cắt ngang qua QL38B về đường bê tông thuộc thôn 2, xã Công Lý. Hậu quả: Cháu Nguyễn Thị Hồng Ngọc tử vong tại hiện trường, cháu Phạm Thị Phượng bị thương tích nhẹ, chiếc xe đạp điện bị hư hỏng giá trị thiệt hại là 3.500.000 đồng.
Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Anh Đức đã bị VKSND huyện Lý Nhân truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 1 điều 260 BLHS.
Tại phiên tòa xét xử, KSV được phân công THQCT, KSXXST tại phiên tòa đã công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh giúp cho việc luận tội, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát có tính thuyết phục cao đối với những người tham gia tố tụng, được Hội đồng xét xử ghi nhận và đánh giá cao, thu hút được sự quan tâm, theo dõi của những người tham dự phiên tòa. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến quần chúng nhân dân.
Sau phiên tòa, đồng chí Viện trưởng VKSND huyện Lý Nhân đã chủ trì tổ chức họp rút kinh nghiệm với sự tham gia của các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên trong đơn vị. Các ý kiến nhận xét, đánh giá đều cho rằng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa thực hiện đúng quy định của Ngành về tư thế, tác phong và trang phục; công bố cáo trạng, luận tội đọc to, rõ ràng, lập luận chặt chẽ và đề xuất mức hình phạt phù hợp với quy định của pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận; phần xét hỏi đúng trọng tâm trọng điểm, không trùng lặp với câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã giúp cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp./.