VKSND thành phố Phủ Lý và TAND thành phố Phủ Lý phối hợp tổ chức phiên tòa dân sự sơ thẩm rút kinh nghiệm

Chủ nhật - 29/09/2019 22:15 704 0
Ngày 19/9/2019, VKSND thành phố Phủ Lý đã phối hợp với TAND thành phố Phủ Lý tổ chức phiên tòa dân sự sơ thẩm rút kinh nghiệm về “Kiện chia di sản thừa kế” giữa: nguyên đơn là Cụ Phạm Thị Mai - SN 1938 và bị đơn là Ông Phạm Minh Tâm - SN 1968, ở cùng địa chỉ: Tổ 4, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm có đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng 9 - VKSND tỉnh; Lãnh đạo phụ trách, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên của VKSND thành phố Phủ Lý.
 
  
Toàn cảnh phiên tòa
 
Theo đơn khởi kiện, ý kiến trình bày của các bên đương sự và tài liệu thu thập được xác định: Cụ Phạm Thị Mai kết hôn với cụ Phạm Văn Nghiệp, sinh được 6 người con gồm: bà Phạm Thị Hoa, bà Phạm Thị Hạnh, ông Phạm Minh Tâm, bà Phạm Thị Huệ, ông Phạm Văn Kính và bà Phạm Thị Huê. Ngoài ra vợ chồng cụ không có con riêng, con nuôi hợp pháp. Năm 2014, cụ Nghiệp mất không để lại di chúc, di sản cụ Nghiệp để lại nằm trong phần tài sản chung với cụ Mai gồm:
- Thửa đất số 327, tờ bản đồ PL 8, diện tích 352m2 (trong đó 234m2 đất thổ cư, 118m2 đất vườn), địa chỉ tại tổ 4, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, đã được UBND huyện Thanh Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X815763 ngày 16/12/2003 đứng tên hộ cụ Phạm Văn Nghiệp. Tài sản trên thửa đất này gồm: 01 giếng đào và phần tường bao dài 25m là tài sản của vợ chồng cụ Nghiệp, bà Mai; những tài sản còn lại là của vợ chồng ông Tâm và bà Lê Thị Mai. Nguồn gốc thửa đất này là do ông cha để lại cho vợ chồng cụ.
- Thửa đất số 378, tờ bản đồ PL 8, diện tích 120m2 (trong đó 74 m² là đất thổ cư, 46m2 là đất UB) được UBND huyện Thanh Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 677748 ngày 07/02/2013 đứng tên cụ Phạm Văn Nghiệp, cụ Phạm Thị Mai. Tài sản trên thửa đất này gồm: 11m tường ngăn là tài sản của bà Nhài; những tài sản còn lại là của vợ chồng ông Tâm và bà Lê Thị Mai. Nguồn gốc thửa đất này là do con trai cụ, ông Phạm Minh Tâm tặng cho vợ chồng cụ vào năm 2013. Ngoài ra cụ Nghiệp không có tài sản riêng, không nợ nần hay có nghĩa vụ tài chính nào.
Nay cụ Phạm Thị Mai khởi kiện yêu cầu Toà án chia di sản của cụ Nghiệp để lại theo quy định pháp luật, đề nghị giao thửa đất số 327, tờ bản đồ PL8, diện tích 352m2 cho ông Tâm quản lý, sử dụng để thờ cúng tổ tiên vì ông Tâm là trưởng họ, trên đất ông Tâm đã xây nhà kiên cố; giao thửa đất số 378 tờ bản đồ PL8 diện tích 74m2 giao cụ Mai quản lý và sử dụng; phần tài sản trên đất của vợ chồng ông Tâm trả cho ông Tâm.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng; theo dõi, ghi chép diễn biến phiên tòa, đặt câu hỏi có trọng tâm để làm rõ nội dung vụ án; kịp thời bổ sung những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa vào dự thảo bài phát biểu đã chuẩn bị; phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, HĐXX, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án “thấu tình đạt lý”, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.
Trên cơ sở kết quả tranh tụng, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên, HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Phạm Thị Mai, chia đều di sản thừa kế của cụ Phạm Văn Nghiệp theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nghiệp gồm: cụ Phạm Thị Mai và các con là các ông bà Phạm Thị Hoa, Phạm Thị Hạnh, Phạm Minh Tâm, Phạm Thị Huệ, Phạm Văn Kính, Phạm Thị Huê. Đồng thời tuyên án phí, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

 

Họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa
 
Kết thúc phiên toà, đồng chí Nguyễn Quốc Phương - Viện trưởng VKSND thành phố Phủ Lý đã chủ trì buổi họp rút kinh nghiệm. Các ý kiến phát biểu của đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng 9 và các cán bộ, Kiểm sát viên đơn vị tham dự phiên tòa đều nhận xét, đánh giá về cơ bản Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có tác phong chững trạc, đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị chu đáo đề cương xét hỏi, dự kiến tốt các tình huống phát sinh tại phiên tòa, bài phát biểu của Kiểm sát viên đúng mẫu, trên cơ sở nội dung vụ án và bám sát diễn biến tại phiên tòa. Tuy nhiên, một số câu hỏi của Kiểm sát viên còn trùng lặp với câu hỏi của HĐXX, nội dung câu hỏi còn chứa đựng nội dung câu trả lời…
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực, đối với các Kiểm sát viên trực tiếp tham gia phiên tòa, qua sự phân tích, đánh giá những ưu, khuyết điểm, Kiểm sát viên đã rút ra bài học cho bản thân, từ đó phát huy những kết quả đạt được, nhìn nhận được những tồn tại, hạn chế của bản thân để khắc phục trong thời gian tới. Đối với những cán bộ, Kiểm sát viên khác là dịp được học tập, trau dồi những kinh nghiệm, tích lũy cho mình những kỹ năng cần thiết khi tham gia phiên tòa dân sự, đặc biệt là kỹ năng xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh tại phiên tòa để phục vụ tốt hơn công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

Tác giả: Nguyễn Thị Hợp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây