Thông qua hệ thống Camera, phiên tòa được truyền hình trực tuyến đến Ban Nội chính Tỉnh ủy để giám sát việc xét xử công khai tại phiên tòa. Tại điểm cầu VKSND tỉnh do đồng chí Trần Thế Kính - Phó Viện trưởng chủ trì, cùng các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên các Phòng nghiệp vụ theo dõi phiên tòa và rút kinh nghiệm.

Lãnh đạo, KSV - VKSND tỉnh Hà Nam theo dõi phiên tòa
và rút kinh nghiệm tại Hội trường
Nội dung vụ án như sau: Khoảng 02 giờ ngày 25/9/2020, tại khu vực trước cửa Ga Phủ Lý thuộc tổ 1, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; Thò Bá Thái – SN 1986, trú tại bản Huổi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đang có hành vi vận chuyển trái phép tổng khối lượng 6174,916 gam ma túy (trong đó có 4514,701 gam ma túy loại Methamphetamine; 699,254 gam ma túy loại Heroine; 960,961 gam ma túy loại Ketamine) từ huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An ra Bến xe Nước Ngầm, thành phố Hà Nội cho một người đàn ông tên Lỳ Chữ Tủa (không rõ nhân thân, lai lịch) mục đích để lấy tiền công 50.000.000 đồng thì bị lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy – Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy – Bộ Công an và Đội kiểm soát hải quan – Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện bắt quả tang. Căn cứ Nghị định 19 ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định về tính tổng khối lượng ma túy thì tổng khối lượng ma túy Thò Bá Thái vận chuyển trái phép tương đương 5.534,275 gam Heroine.

Bị cáo Thò Bá Thái tại phiên tòa
Sau khi xem xét, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra cho xã hội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS và nhân thân đối với từng bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thò Bá Thái hình phạt tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 250 BLHS.
Sau khi kết thúc phiên tòa, đồng chí Trần Thế Kính – Phó Viện trưởng đã chủ trì tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá về những ưu điểm, tồn tại, hạn chế trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa, qua đó nâng cao trình độ, kỹ năng xét hỏi, luận tội, tranh luận, đối đáp, xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa, nhằm tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng THQCT, KSXX cho đội ngũ Kiểm sát viên của đơn vị.