Toàn cảnh Hội nghị
Buổi sáng: Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến đã thảo luận sôi nổi góp ý kiến về các nội dung liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân và một số nội dung khác trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp sửa đổi về nội dung liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân như ý kiến của đại diện Viện khoa học kiểm sát, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát Thành phố Hà Nội, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá...Bên cạnh đó nhiều ý kiến đóng góp về một số điều cụ thể trong Hiến pháp có sức thuyết phục như ý kiến đóng góp của đại diện Viện kiểm sát Nghệ an về khoản 2 Điều 32 ...
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến –Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng,
Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì thảo luận đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Buổi chiều: Tại điểm cầu của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến -Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh các đại biểu của Viện kiểm sát hai cấp thảo luận góp ý kiến về chế định Viện kiểm sát nhân dân và các chế định khác trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bằng trí tuệ và tâm huyết cũng như trên cơ sở lý luận và thực tiễn trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, có sức thuyết phục vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung vào chương I, chương II, chương III, chương VIII, chương X... và một số thiết chế mới được bổ sung trong Dự thảo như Hội đồng Hiến pháp, Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc trưng cầu dân ý cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận góp ý... Trong đó chế định Viện kiểm sát nhân dân được các đại biểu quan tâm và phát biểu nhiều nhất, có nhiều ý kiến phát biểu thống nhất quan điểm cần phải hiến định rõ vị trí, chức năng của Viện kiểm sát trong Hiến pháp, đó là khẳng định Viện kiểm sát là cơ quan tư pháp độc lập và khôi phục chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật (kiểm sát chung) như Hiến pháp 1992 cho Viện kiểm sát nhân dân; các đại biểu cũng đã phân tích rõ lý do đề nghị sửa đổi bổ sung bằng những lập luận có sức thuyết phục trên cơ sở kết quả 42 năm Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát chung đã có những đóng góp to lớn như phát hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm, giúp cho Nhà nước thu hồi nhiều tỷ đồng...; khi Viện kiểm sát thôi không thực hiện chức năng này đã xảy ra tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhưng không khả thi, nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế không kịp thời được phát hiện, ngăn chặn gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Có nhiều ý kiến đóng góp Điều 57, Điều 58 của Dự thảo, trong đó có ý kiến đề nghị định rõ các trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, thương mại thì bên tổ chức thu hồi đất phải thỏa thuận với công dân và giá bồi thường như thế nào do hai bên thống nhất trên cơ sở quy định của pháp luật, 01 ý kiến đề nghị đối với các Dự án phát triển kinh tế xã hội thì Nhà nước trưng thu, trưng mua không nên quy định Nhà nước thu hồi như Dự thảo...Về tên gọi có ý kiến đề nghị tên gọi của Hiến pháp sửa đổi lần này là Hiến pháp 2013...
Kết thúc Hội nghị, Ban tổ chức Hội nghị đã tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao và UBND tỉnh theo đúng Kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam./.