VKSND tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật cho 300 công nhân

Thứ ba - 16/07/2024 20:17 345 0
Trước tình hình tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, VKSND tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền pháp luật cho trên 300 đoàn viên, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Ngày 12/7, tại hội trường UBND thành phố Phủ Lý, VKSND tỉnh Hà Nam phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa ``Phiên tòa giả định``.

Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; ông Lê Văn Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động, đại diệnTòa án nhân dân, Công an tỉnh Hà Nam và hơn 300 đoàn viên, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về phía Viện kiểm sát có đồng chí Trần Thế Kính, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam cùng lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND 2 cấp tỉnh Hà Nam.

 
Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam phát biểu khai mạc Chương trình.

Phiên tòa giả định đưa ra xét xử vụ án hình sự “Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) diễn ra với đầy đủ thành phần, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Từ thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, thư ký phiên tòa đến bị cáo, bị hại, lực lượng hỗ trợ tư pháp.


 Đồng chí Trần Thế Kính, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Chương trình.

Dựa trên nội dung của một vụ án về mua bán trái phép và làm giả giấy tờ có thật đã xảy ra, Phiên toà giả định có nội dung cụ thể như sau: Khoảng tháng 2/2024, Lương Văn Hiền đặt làm giả một chứng chỉ sơ cấp vận hành xe nâng của Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I qua mạng xã hội Facebook với giá 1,6 triệu đồng cho bản thân.

 Phiên tòa giả định.

Sau đó, Hiền dùng chứng chỉ sơ cấp vận hành xe nâng giả đến chứng thực tại UBND xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên rồi cho vào hồ sơ xin việc làm đã nộp tại Công ty Cổ phần Điện máy gia dụng Hòa Phát Hà Nam thuộc khu Công nghiệp Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên, để xin sang bộ phận lái xe nâng của công ty.

 Các đại biểu tham dự phiên tòa giả định.

Sau đó, Hiền đặt làm giả một Giấy phép lái xe hạng C của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam mang tên Nguyễn Văn Hải với số tiền 4 triệu đồng để bán lại cho anh Hải 6,5 triệu đồng nhằm kiếm lời. Như vậy, có đủ căn cứ để xác định bị can Lương Văn Hiền đã phạm vào tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan” và “Làm giả tài liệu của cơ quan”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Hành vi phạm tội của bị can Lương Văn Hiền là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quy định của nhà nước, vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của người khác, làm mất trật tự, trị an trên địa bàn.

 Chương trình có sự tham dự của trên 300 đoàn viên công đoàn, công nhân tại các khu công nghiệp.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lương Văn Hiền 21 tháng tù và phạt tiền 3 triệu đồng cho cả 2 tội danh “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan”; “Làm giả tài liệu của cơ quan”.

Sau khi phiên tòa kết thúc, đại diện VKSND tỉnh Hà Nam đã giao lưu với công nhân, viên chức lao động. Qua đó, trao đổi thêm kiến thức giúp họ nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến mua bán, sử dụng giấy tờ giả, tài liệu của cơ quan, bí mật của Nhà nước.

 Hình ảnh Kiểm sát viên tại phiên tòa giả định. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam cho biết: Phiên tòa giả định được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến đoàn viên, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức về các quy định của Bộ luật Hình sự. Thông qua Phiên tòa giả định, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động có thể hiểu rõ hơn thực trạng cũng như những hệ lụy của việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả. Qua đó, khuyến cáo đoàn viên, công nhân viên chức lao động nói riêng phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm bản thân trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

 Đồng chí Nguyễn Quốc Phương, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam trả lời câu hỏi giao lưu với công nhân, người lao động tham dự Chương trình.

Đồng chí Trần Thế Kính, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Với việc đổi mới hình thức tuyên truyền, “Phiên tòa giả định” mang tính trực quan, sinh động, được xem là cách làm thiết thực mang lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cao. Qua đó, giúp cho đoàn viên, CNVCLĐ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi tin rằng, thông qua “Phiên tòa giả định” và nội dung tuyên truyền, giúp đoàn viên, CNVCLĐ hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như những hệ lụy của việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả. Đồng thời, khuyến cáo đoàn viên, CNVCLĐ cần phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.

 VKSND tỉnh Hà Nam phối hợp tặng quà cho 100 đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024), 64 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2024).

Tại chương trình, VKSND tỉnh Hà Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho 100 đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng.
 

Chỉ tính từ năm 2020 đến tháng 6/2024, VKSND hai cấp tỉnh Hà Nam đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố mới đối với 67 vụ, 121 bị can. Tội phạm về làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả không chỉ gia tăng về số lượng, mà tính chất, quy mô tội phạm cũng ngày một nghiêm trọng hơn; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng đã lợi dụng triệt để mạng xã hội để rao bán một cách ngang nhiên, trắng trợn; dùng sim rác mời chào khách hàng qua tin nhắn từ điện thoại hoặc zalo và thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất con dấu, tài liệu giả… gây khó khăn khi xác định đối tượng phạm tội, thậm chí nhiều vụ án còn không thể xác định được nguồn gốc các loại giấy tờ giả nên mới xử lý được “phần ngọn” là người mua, sử dụng, mà chưa truy được tận gốc người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tác giả: https://baovephapluat.vn/

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây