Toàn cảnh phiên tòa
Nội dung vụ án:
Từ tháng 5 đến tháng 7/2023, các đối tượng Trần Đình Nam, Nguyễn Thế Minh (đều là sinh viên trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội), Nguyễn Hữu Phong, Bùi Ngọc Duy (đều là sinh viên trường Đại học công nghiệp Hà Nội), Dương Ngô Tùng là sinh viên Đại học Công nghệ Đông Á; Hoàng Văn Trung, Nguyễn Thị Hằng và Hoàng Thị Minh Dương đã bàn bạc với nhau về việc thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng xã hội Facebook thông qua hình thức lợi dụng yếu tố tâm linh như: giả làm thầy bói, thầy cúng, có điện thờ, có khả năng cúng lễ để lừa những người cần đặt lễ, cầu cúng tài lộc, dâng sao giải hạn, cầu trúng số… để họ chuyển tiền đặt lễ sau đó chiếm đoạt. Sau khi thống nhất với nhau về kế hoạch, kịch bản, thỏa thuận ăn chia tiền lừa đảo chiếm đoạt được. Dương Ngô Tùng tìm thuê Phòng 808, tòa nhà CT2 Chung cư Hateco Apollo, thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội để cả nhóm vừa ăn ở, vừa làm nơi thực hiện tội phạm,. Ngày 10/5/2023 cả nhóm cùng chuyển đến Phòng thuê 808 để bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Dương Ngô Tùng đi học chạy quảng cáo; tìm mua một trang Fanpage trên ứng dụng Facebook của một người (không rõ nhân thân, lai lịch) với số tiền 700.000 đồng rồi đổi tên trang Fanpage thành trang “Thầy Thế” và đăng các bài viết với nội dung: “Cầu tài lộc may mắn, Giải mệnh - Đổi đời - Tiền tài sung túc, Trúng số độc đắc, Xin số tâm linh, ... để lại số điện thoại, ngày sinh, tuổi thầy xem, thầy giúp”, đăng các ảnh điện thờ lên trang “Thầy Thế”. Sau đó, Tùng sử dụng dịch vụ chạy quảng cáo của ứng dụng Facebook với số tiền khoảng hơn 100.000.000đ/tháng để trang “Thầy Thế” có thêm nhiều người biết đến và tin tưởng là các đối tượng có điện thờ, hành nghề cúng lễ. Tùng và Hằng còn lập thêm tài khoản Facebook để bình luận trên trang “Thầy Thế” với nội dung cảm ơn vì đã được làm lễ, đã trúng số … nhằm tạo lòng tin cho những người đọc. Ngoài ra Tùng còn soạn thảo sẵn 02 kịch bản với các nội dung: tự xưng là “thầy”, gọi người hỏi là “con”; nói về vận hạn, nợ nần của người hỏi; nói về việc cần phải cầu, cúng lễ để giảm vận hạn, được tài lộc…và nói mình có điện thờ, có thể cầu tài, cầu lộc, cầu cúng tâm linh… để cả nhóm dễ dàng áp dụng, thực hiện việc lừa đảo khi nói chuyện với người gọi hỏi về vận mệnh và việc cúng lễ.
Để tạo được sự liên kết, hỗ trợ giữa các thành viên trong nhóm khi thực hiện hành vi lừa đảo, Dương Ngô Tùng lập một tài khoản Zalo nhóm có tên “Đại Phát” để cả nhóm cùng bàn bạc trao đổi, đăng kịch bản lừa đảo, đăng mật khẩu của trang “Thầy Thế” để cả 08 người đều có thể truy cập...Ngoài ra Dương Ngô Tùng còn mua qua mạng xã hội được 08 sim điện thoại của một người (không rõ nhân thân, lai lịch) để những người trong nhóm lập các tài khoản Zalo có tên là: “Bùi Văn Thế”, “Cô Hương”, “Thầy Bùi Văn Thế”, “Thầy Tam Nguyên”, “Cô Hiên”; “Thầy Mo Tâm Linh”; “Thầy Thế”; “Thầy Pháp Tâm Linh”. Các đối tượng dùng các tài khoản trên để kết bạn Zalo và tự giới thiệu là “Thầy Bùi Văn Thế”, “Cô Hiền”, “Cô Hương”…có điện thờ tại Đền Hùng, Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ” với người nhắn tin đến. Đồng thời Tùng còn tải trên mạng xã hội một ảnh căn cước công dân có tên “Bùi Văn Thế, sinh năm 1976, địa chỉ: xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ” để các thành viên trong nhóm gửi cho người nhắn tin, gọi đến tạo sự tin tưởng là người có tên, địa chỉ như giới thiệu là có thật.
Cả nhóm thống nhất khi có người nhắn tin đến trang “Thầy Thế”, trong nhóm ai nhắn tin trả lời lại đầu tiên thì sẽ là “khách” của người đó, cả nhóm có trách nhiệm hỗ trợ nhau trong việc nhắn tin, nói chuyện với “khách”. Quá trình nói chuyện sẽ đưa ra các thông tin xấu theo kịch bản như: nhà có âm binh, có vong người chết trẻ theo, hướng nhà xấu, mồ mả không tốt, có thể nhờ đặt lễ để cúng giải hạn, cúng để trúng số độc đắc,...và phải đặt tiền lên điện để dâng lễ cầu cúng, cúng xong sẽ trả lại. Tùng còn đặt mua một hộp giấy trên mạng (các đối tượng gọi là hộp bùa) với giá 30.000đ/hộp để gửi cho “khách” nhằm tạo lòng tin, tùy hoàn cảnh kinh tế từng “khách” mà yêu cầu thanh toán thấp nhất là 50.000 đồng; cao nhất là 500.000đ. Sau khi khách nhận “hộp bùa”, cả nhóm lại tiếp tục đưa ra các thông tin xấu, đến khi có người tin tưởng chuyển tiền để đặt lễ giải hạn thì các đối tượng tải ảnh cúng lễ trên mạng gửi cho người đã chuyển tiền để lừa những người này là đang cầu, cúng lễ thật. Sau đó lại tiếp tục đưa ra các thông tin gian dối để yêu cầu tiếp tục chuyển tiền cho đến khi những người này không chuyển tiền nữa hoặc đòi lại tiền thì hủy kết bạn Zalo, chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền đã chuyển.
Để có tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc lừa đảo, Dương Ngô Tùng tìm mua trên mạng xã hội 02 tài khoản ngân hàng đều của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) gồm tài khoản số 54155887799 mang tên “NGUYEN VAN LINH” (có thẻ ATM kèm theo) và tài khoản số 387931919 mang tên “TRINH DINH THIEN” (không có thẻ ATM, chỉ đăng nhập được trên điện thoại) (không rõ nhân thân, lai lịch) và các tài khoản này đều do Dương Ngô Tùng và Nguyễn Thị Hằng quản lý, theo dõi. Cả nhóm thống nhất khi có người chuyển tiền đều yêu cầu chuyển vào tài khoản mang tên “NGUYEN VAN LINH”. Khi tiền được chuyển đến thì Tùng và Hằng lại chuyển tiền từ tài khoản “NGUYEN VAN LINH” đến tài khoản “TRỊNH DINH THIEN” và sau đó rút tiền từ tài khoản “TRỊNH DINH THIEN”.
Khoảng cuối tháng 5/2023, chị Trần Thị... Do gia đình làm ăn thua lỗ, cần cầu cúng giải hạn nên khi chị Trần Thị L ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thấy trên mạng xã hội có trang “Thầy Thế” đăng các bài viết có khả năng cúng lễ, cầu tài lộc thì chị nhắn tin vào trang này thì Trần Đình Nam trả lời và hướng dẫn chị L kết bạn với tài khoản zalo “Thầy Bùi Văn Thế” do Trần Đình Nam sử dụng. Theo kịch bản, Nam giới thiệu mình là “Thầy Bùi Văn Thế, sinh năm 1976, có điện thờ tại Đền Hùng, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ” rồi hỏi tên tuổi, địa chỉ của chị L để “viết sớ” dâng lên điện, đồng thời giới thiệu cho chị L mua một “hộp bùa”. Khi chị L đồng ý mua thì Nam bảo Nguyễn Thị Hằng lên đơn hàng gửi cho chị L. Ngày 02/6/2023, chị L nhận được “hộp bùa” và thanh toán số tiền 500.000đ cho nhân viên của hệ thống “Giao Hàng Nhanh”, mở ra kiểm tra bên trong chị L thấy có một mảnh giấy màu vàng - đỏ và một đồng xu. Nam nhắn tin hướng dẫn chị L trích máu để thấm vào mảnh giấy và mang giấy, đồng xu theo bên người để giải hạn, rồi tiếp tục đưa ra thông tin gian dối theo kịch bản là nhà chị L có âm binh, có vong người chết trẻ là nữ theo, cần phải đặt tiền trên điện để làm lễ, làm lễ xong sẽ gửi trả lại tiền. Trần Đình Nam còn nhờ Nguyễn Thế Minh giả làm “Thầy Thế” nói chuyện điện thoại với chị L để đưa ra thông tin gian dối là khi “viết sớ” dâng lên điện, đã làm cháy bát hương trên điện, nếu chị L muốn giải hạn thì phải chuyển tiền đặt lễ ngay. Do tin tưởng “Thầy Thế” có khả năng giải hạn cho mình nên ngày 03/6/2023, chị L chuyển số tiền 4.000.000 đồng đến tài khoản "NGUYEN VAN LINH” để “đặt lễ”. Khi nhận được tiền, biết chị L đã tin tưởng mình nên Nam liên tục nhắn tin, đưa ra các thông tin gian dối để lừa chị L tiếp tục chuyển tiền 08 lần để đặt lễ, tổng số tiền các đối tượng đã nhận được là 321.000.000 đồng. Khi thấy chị L không chuyển thêm tiền nữa mà yêu cầu Trần Đình Nam chuyển trả lại tiền đặt lễ thì Nam đã hủy kết bạn Zalo, chặn liên hệ với chị Trần Thị L. Số tiền chiếm đoạt được của chị L, các đối tượng đã chia nhau để tiêu sài cá nhân.
Các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Lý Nhân đã khởi tố điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các bị cáo Dương Ngô Tùng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Nam, Nguyễn Thế Minh, Nguyễn Hữu Phong, Hoàng Văn Trung, Bùi Ngọc Duy và Hoàng Thị Minh Dương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra CQĐT xác định các bị cáo không chỉ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 321 triệu đồng của chị L trên địa bàn huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam mà cũng với thủ đoạn trên bọn chúng đã lừa và chiếm đoạt hang tỷ đồng của nhiều bị hại khác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Kiểm sát viên luận tội đối với các bị cáo tại phiên tòa
Xét thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, lợi dụng vào quyền tự do tín ngưỡng, tin tưởng vào tâm linh, nhất là sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tiền tiêu sài cá nhân. Đặc biệt đối với các bị cáo đang là sinh viên các Trường đại học được đào tạo về công nghệ thông tin nhưng không sử dụng kiến thức đó để làm những công việc kiếm được những đồng tiền chính đáng cho bản thân và gia đình, mà chỉ vì lòng tham nhất thời, muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng, không phải mất sức lao động mà các bị cáo tự đưa mình vào con đường tù tội, khép lại tương lai đang rộng mở trên giảng đường Đại học; phụ công lao của cha mẹ, thày cô. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây bất bình trong dư luận, lợi dụng cả “Tâm linh” để kiếm tiền, thậm chí nhiều bị hại đang trong hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn do nợ nần làm ăn thua lỗ hoặc gia đình đang gặp vận hạn, khi được các đối tượng tư vấn lại vay mượn tiền, tài sản để cúng lễ giải hạn khiến họ lại càng khó khăn, cùng cực.
Trên cơ sở đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội, vai trò và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, cũng như Luận tội đề nghị về mức hình phạt áp dụng đối với từng bị cáo của đại diện VKSND huyện Lý Nhân tại phiên tòa. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên án áp dụng hình phạt tù đối với các bị cáo: Dương Ngô Tùng 12 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hằng 11 năm 6 tháng tù; Trần Đình Nam 10 năm tù; Nguyễn Thế Minh, Hoàng Thị Minh Dương và Bùi Ngọc Duy đều áp dụng hình phạt 08 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hữu Phong và Hoàng Văn Trung đều áp dụng hình phạt 09 năm 6 tháng tù.
Nhìn chung, hình phạt áp dụng đối với các bị cáo đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng giáo dục, phòng ngừa tội phạm; góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về Lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng nói riêng. Qua đây, không chỉ là bài học cảnh tỉnh cho các bị cáo mà còn là bài học cho các bị hại và người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác để tránh gặp phải các trường hợp tương tự xảy ra./.