Bài viết trao đổi: Tính án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn như thế nào?

Thứ tư - 08/05/2013 23:38 5.720 0
Thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự thấy rằng có vụ án kiện xin ly hôn: nguyên đơn gửi đơn ra Toà xin ly hôn, con chung không có, công nợ, tài sản chung không có không yêu cầu Toà án giải quyết. Bị đơn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam.
Trong các bản tự khai của nguyên đơn và biên bản lấy lời khai do Toà án lấy lời khai của bị đơn tại trại giam: cả nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý ly hôn, không yêu cầu giải quyết về phần con chung, tài sản chung, công nợ do không có. Toà án đã quyết định đưa ra xét xử vụ án Kiện xin ly hôn trên vì bị đơn đang chấp hành án phạt tù nên Toà không tiến hành hoà giải được theo khoản 2 điều 182 - BLTTDS: Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng. Bị đơn có đơn yêu cầu xin xử vắng mặt và giữ nguyên quan điểm đồng ý ly hôn như biên bản lấy lời khai do Toà án tiến hành lấy lời khai. Toà án tiến hành xét xử vắng mặt, tại phiên toà nguyên đơn giữ nguyên quan điểm xin ly hôn. Toà án đã quyết định công nhận thuận tình ly hôn của các đương sự theo điều 90 Luật HN&GĐ năm 2000. Về vấn đề tính án phí dân sự sơ thẩm đối với những vụ án có nội dung nêu trên hiện có hai cách hiểu khác nhau:

   Cách tính thứ nhất: Các bên đương sự phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm là 100% (mỗi bên phải chịu 50%). Vì cho rằng theo khoản 2 điều 16 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn án phí, lệ phí Toá án chỉ áp dụng trong trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa. Trường hợp này Tòa án không tiến hành hòa giải nên khi đã đưa vụ án ra xét xử thì các bên phải chịu 100% mức án phí dân sự sơ thẩm.

   Cách tính thứ hai: Các bên đương sự phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm là 50% (mỗi bên phải chịu 25%). Vì thực chất đây là trường hợp công nhận thuận tình ly hôn, mặc dù Tòa án không tiến hành hòa giải được nhưng trước khi mở phiên tòa các bên trong vụ án kiện xin ly hôn trên đều đồng ý ly hôn (không có tranh chấp về hôn nhân), việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử chỉ là thủ tục tố tụng vì đây là trường hợp không tiến hành hòa giải được vì có lý do chính đáng. Việc hiểu và tính án phí như cách thứ nhất là máy móc và không đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự. Do đó, trong trường hợp này cần được coi là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Hơn nữa, tại phiên toà, Toà án cũng đã quyết định công nhận thuận tình ly hôn theo điều 90 Luật HN&GĐ năm 2000 nên các bên đương sự chỉ phải chịu là 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định).

Quan điểm của tác giả đồng tình với cách tính thứ hai.

Qua vụ án này, thấy rằng đối với những vụ án kiện xin ly hôn, trước khi mở phiên tòa các bên đương sự không có tranh chấp về hôn nhân, không yêu cầu giải quyết về con chung, tài sản chung, công nợ, Tòa án không tiến hành hoà giải được vì lý do chính đáng, tác giả xin mạnh dạn kiến nghị quy định bổ sung trường hợp này vào điều 187 BLTTDS và ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không cần phải đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, vụ án được giải quyết đơn giản, nhanh chóng mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của các bên. Hoặc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần ban hành hướng dẫn cụ thể về cách tính án phí trong trường hợp này để có cách hiểu và cách tính án phí thống nhất khi áp dụng pháp luật.
Tác giả rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của độc giả.

Tác giả: Nguyễn Thị Hợp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây