Điểm mới về “Quyền gặp thân nhân” của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam

Thứ ba - 04/09/2018 02:35 2.507 0
Ngày 25-11-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. So với những quy định của Quy chế về tạm giữ, tạm giam thì Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có nhiều nội dung mới, quy định cụ thể, rõ ràng, tháo gỡ bất cập, hạn chế; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ và phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới. Một trong những nội dung mới đó là “Quyền gặp thân nhân” của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thể hiện như sau:
          Thứ nhất, quy định rõ người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quyền gặp thân nhân trong khi đang bị tạm giữ, tạm giam
         Trước đây theo Khoản 2 Điều 22 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân… và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định”. Với nội dung quy định này dẫn đến sự tùy ghi trong việc áp dụng, tức là  người bị tạm giữ, người bị tạm giam có thể được gặp hoặc không được gặp thân nhân tùy thuộc vào sự cho phép của cơ quan đang thụ lý vụ án, không phải là quyền đương nhiên.
          Khắc phục bất cập trên, Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng…”“Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam”. Như vậy, điều luật đã quy rõ người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được gặp thân nhân và Thủ trưởng cơ sở giam giữ quản lý người bị tạm giữ, tạm giam quyết định thời điểm thăm gặp. Cơ quan đang thụ lý vụ án không có quyền quyết định việc thăm gặp mà chỉ phối hợp trong việc giám sát thăm gặp (ngoại trừ trường hợp đặc biệt). Quy định này không chỉ bảo đảm tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà còn tách bạch thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tố tụng giữa cơ sở giam giữ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, là bước tiến về cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
          Thứ hai, quy định rõ diện thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thăm gặp, gồm: người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại (khoản 8 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam). Trường hợp người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý (Khoản 1 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam).
          Thứ ba, quy định cụ thể số lần, thời lượng, thủ tục thăm gặp và các trường hợp loại trừ việc thăm gặp
+  Về số lần, thời lượng, thời gian, thủ tục thăm gặp: Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ (Khoản 1 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam). Như vậy, người bị tạm giữ được gặp thân nhân tối đa 3 lần (nếu bị gia hạn tạm giữ lần 2). Thời điểm thăm gặp cụ thể sẽ do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định và thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam biết (khoản 2 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam).
          Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc thăm gặp phải chịu sự giám sát của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp. Việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền và tuân thủ quy định về thăm gặp.
         Các cuộc thăm gặp về cơ bản sẽ được thực hiện trong các phòng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh. Người vào thăm không được phép trực tiếp đưa bất cứ vật gì cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc gửi quà được thực hiện theo quy trình riêng, bảo đảm người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận đúng chế độ và không mang đồ vật cấm vào cơ sở giam giữ.
+ Về hạn chế quyền thăm gặp thân nhân
Thủ trưởng cơ sở giam giữ sẽ không đồng ý cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án;
- Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
- Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
- Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
- Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật (cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác) (khoản 4 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam).
Nếu có căn cứ cho rằng Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân là trái pháp luật thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc thân nhân có quyền khiếu nại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật.
          Thứ , bảo đảm quyền thăm gặp thân nhân tốt hơn cho người dưới 18 tuổi
          Pháp luật về tạm giữ, tạm giam trước đây không quy định chế độ thăm gặp riêng đối với người bị tạm giữ, tạm giam dưới 18 tuổi. Đến nay Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã khắc phục được hạn chế này, cụ thể tại Điều 34 quy định “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân… với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đủ 18 tuổi trở lên”. Điều này đã bảo đảm quyền lợi cho những người dưới 18 tuổi được tốt hơn và phù hợp với nguyên tắc chung “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” được quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tác giả: Nguyễn Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây