Giới hạn của việc xét xử không phải là lần đầu tiên được đề cập đến trong BLTTHS năm 2015 mà đã được các BLTTHS trước đây quy định rất cụ thể. Theo điều 196 BLTTHS năm 2003 quy định "Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố". Điều đó có nghĩa là Tòa án không được xét xử những người và những hành vi không bị Viện kiểm sát truy tố; không được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Quy định như trên đã dẫn đến một số khó khăn cho việc xét xử của Tòa án trong trường hợp Viện kiểm sát truy tố tội danh nhẹ hơn so với hành vi phạm tội của bị cáo nhưng Hội đồng xét xử cũng không được quyền tuyên bị cáo phạm tội danh nặng hơn so với tội danh mà cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố. Trên thực tế cũng đã có nhiều trường hợp Tòa án thấy cần truy tố thêm người, thêm tội hoặc xét xử theo tội danh khác nặng hơn đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát tự mình bổ sung hoặc trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra bổ sung, thay đổi cáo trạng. Tuy nhiên, nếu Viện kiểm sát không nhất trí với đề nghị của Tòa án thì Tòa án vẫn phải xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, dẫn đến nhiều bản án sơ thẩm bị hủy.
Để khắc phục bất cập nêu trên, điều 298 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng giới hạn xét xử cho Tòa án, cụ thể:
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó".
Có thể thấy, giới hạn xét xử của Tòa án theo khoản 1 và khoản 2 điều 298 BLTTHS năm 2015 về cơ bản vẫn giữ nguyên như điều 196 BLTTHS năm 2003, chỉ khác ở chỗ khoản 1 điều 298 BLTTHS năm 2015 đã sửa “Tòa án chỉ xét xử …” trong quy định của BLTTHS năm 2003 thành “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Mục đích của việc bỏ từ "chỉ" này là để mở rộng hơn giới hạn xét xử cho Tòa án trong trường hợp quy định tại khoản 3 điều 298 BLTTHS năm 2015 "Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó".
Như vậy, so với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã mở rộng hơn về giới hạn xét xử của Tòa án, có nghĩa là Tòa án có thể xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố nhưng với điều kiện Tòa án phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Trong trường hợp không đồng ý với tội danh nặng hơn mà Tòa án đã xét xử thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo đúng quy định của BLTTHS.
Việc BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn là cần thiết và quan trọng, không chỉ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2003 mà còn bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án được Hiến pháp ghi nhận.