Góp ý kiến vào Bộ luật dân sự (sửa đổi): gỡ vướng mắc về thừa kế.

Thứ năm - 26/03/2015 22:06 3.259 0
Trong nhiều năm qua, quy định về thời hiệu khởi kiện là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong việc thực hiện hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự của tổ chức, cá nhân. Một trong những điểm sáng của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) lần này là quy định về thời hiệu, nhất là vấn đề xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế khi hết thời hiệu.
  Theo Điều 645 BLDS quy định, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với những di sản hết thời hiệu thì chuyển sang chia tài sản theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể như sau: “…sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết…”. Trên thực tế để được Tòa án thụ lý chia tài sản chung khi hết thời hiệu chia thừa kế thì đương sự phải cung cấp cho Tòa án văn bản thể hiện ý chí của các đồng thừa kế thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia nhưng khi các bên đã có tranh chấp thì yêu cầu này là không thể thực hiện do đó Tòa án sẽ từ chối không thụ lý vụ án hoặc không giải quyết phần di sản đã hết thời hiệu.

    Ví dụ: Hai cụ H,C sinh được 2 người con. Trong quá trình chung sống 2 cụ tạo lập được một thửa đất có diện tích 100m2. Năm 1996 cụ C chết không để lại di chúc. Năm 2007, cụ H chết không để lại di chúc. Sau khi cụ H chết, anh T (là con trai của 2 cụ H,C) trực tiếp quản lý, khai thác thửa đất của bố mẹ để lại. Năm 2014 chị L (con gái 2 cụ H,C) khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện B, tỉnh H chia di sản thừa kế thửa đất diện tích 100m2 của hai cụ H,C để lại. Quá trình giải quyết, Tòa án huyện B, tỉnh H chỉ chấp nhận chia di sản của cụ H (là 1/2 diện tích thửa đất do còn thời hiệu khởi kiện), còn phần di sản của cụ C (là ½ diện tích thửa đất) Tòa án không giải quyết với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản và các đồng thừa kế không có văn bản thống nhất là di sản do người chết để lại chưa chia theo như hướng dẫn của Nghị quyết 02 nêu trên.

  Như vậy, vô tình các quy định pháp luật làm cho  người dân rơi vào tình cảnh không thể có quyền sở hữu, sử dụng di sản thừa kế mà lẽ ra họ được hưởng quyền này. Trong khi đó, để xác lập quyền sở hữu theo Điều 247 BLDS thì đòi hỏi người chiếm hữu, được lợi về tài sản phải “không có căn cứ pháp luật” nhưng “ngay tình, liên tục, công khai”. Trong khi người đang giữ tài sản do người chết để lại đều khai rằng họ chiếm giữ tài sản là có căn cứ nên không đảm bảo các tiêu chí của Điều 247 BLDS. Mặt khác thời hiệu xác lập quyền sở hữu theo Điều 247 BLDS lại không trùng với thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế (10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản).

  Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Dự thảo BLDS sửa đổi lần này quy định thời hiệu về thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm. Đa số các ý kiến đồng tình với quy định này của dự thảo Bộ luật, vì thường người Việt Nam không có thói quen chia di sản ngay sau khi người thân chết, nhất là khi một bên cha hoặc mẹ vẫn còn sống, trong khi điều luật hiện hành quy định thời hiệu 10 năm về thừa kế đối với bất động sản là quá ngắn. Bên cạnh đó một điểm mới đáng lưu ý là quá thời hạn trên, nếu di sản đang thuộc người thừa kế quản lý thì thuộc 
quyền sở hữu của họ. Nếu người quản lý di sản không phải là người thừa kế thì phân thành 2 trường hợp: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp pháp luật thì họ trở thành chủ sở hữu; nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản thì di sản thuộc về nhà nước. Đây là một sự khác biệt so với quy định về thừa kế hiện nay. Với quy định này, sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong giải quyết tranh chấp thừa kế hiện nay./.

Tác giả: Trần Thị Đông

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây