Thứ nhất, về đối tượng áp dụng: Ngoài 02 nhóm đối tượng được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là “bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng” và “bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm” (nếu thuộc một trong những căn cứ luật định) thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung thêm 01 nhóm đối tượng nữa cũng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, đó là “bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến hai năm” nhưng phải thuộc một trong các trường hợp “nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã”. Việc mở rộng thêm đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam là phù hợp với thực tiễn và chính sách hình sự của nước ta vì trong trường hợp đối tượng phạm tội nhiều lần hoặc sau khi phạm tội bỏ trốn là thể hiện mức cao hơn tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, cần phải được áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nếu xét thấy cần thiết.
Thứ hai, về căn cứ áp dụng: Khắc phục tính định tính trong cách quy định căn cứ trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định áp dụng biện pháp tạm giam rõ ràng, cụ thể, mang tính định lượng hơn như: “đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm”, “không có căn cứ rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can”. Bên cạnh đó, đã cụ thể hóa căn cứ “cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thành “có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này”. Cách quy định như trên giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật, hạn chế thấp nhất sự tùy tiện, lạm dụng việc áp dụng biện pháp tạm giam trong giải quyết các vụ án hình sự.
Thứ ba, về thời hạn tạm giam: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã rút ngắn thời hạn gia hạn tạm giam để điều tra so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể:
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Còn theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Việc giảm bớt số lần và rút ngắn thời hạn gia hạn tạm giam để điều tra như trên chính là sự thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đề cao quyền con người, quyền công dân.
Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng phải có đủ hai điều kiện“có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng” thì mới không áp dụng biện pháp tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Trong trường hợp họ “tiếp tục phạm tội” thì có thể áp dụng biện pháp tạm giam, không kể đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hay chưa. Quy định về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, tạm giam được tách riêng và được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (Luật thi hành tạm giữ, tạm giam)./.