Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau:
a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
c) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
g) Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
i) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
k) Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
Như vậy so với Quy chế về tạm giữ, tạm giam thì khoản 1 Điều 9 đã bổ sung thêm những quy định mới về quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (điểm a, b, e, g), trong đó có quyền “Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân”. Việc quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là một quy định mới, tiến bộ phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đã đề cao quyền con người, trong đó có quyền bầu cử.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định “Người bị tạm giam … bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ”. Có nghĩa là những người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án cũng có quyền tham gia bầu cử. Trong khi đó, khoản 1 Điều 30 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 lại quy định “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”.
Như vậy, giữa quy định của khoản 1 điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và khoản 1 Điều 30 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có mâu thuẫn về quyền bầu cử của người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án. Vì vậy các cơ quan liên ngành Trung ương cần phải có hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất sau khi Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.