Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

Thứ ba - 01/04/2014 20:45 20.633 0
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013, gồm 11 chương, 120 điều. Trong đó, chương về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có số lượng điều nhiều nhất, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49).
Điều 14 quy định:“Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”, đồng thời quy định rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.". Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Bởi vì, Hiếp pháp năm 1992 chỉ ghi nhận quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân (Điều 50). Hiến pháp mới đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; đồng thời quy định việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải “theo quy định của luật” không được tùy tiện.

 So với các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp 2013 làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hướng: quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 15). Hiến pháp mới có nhiều điểm tiến bộ qua việc quy định các quyền chính trị, quyền tham gia bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý Nhà nước...

 Hiến pháp bổ sung một số quyền mới: Đó là quyền sống (Điều 19), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41), quyền xác định dân tộc (Điều 42), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43),…

 Về nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp mới tiếp tục kế thừa các quy định trong Hiến pháp năm 1992, riêng nghĩa vụ nộp thuế được sửa đổi về chủ thể là “ Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định” (Điều 47), không chỉ là công dân có nghĩa vụ nộp thuế như Hiến pháp năm 1992...

 Về cách thức thể hiện, Hiến pháp có sự đổi mới quan trọng theo hướng Hiến pháp ghi nhận mọi người có quyền, công dân có quyền; quyền con người là quyền tự nhiên, bất cứ ai cũng có quyền đó; quyền công dân là quyền của những người có quốc tịch Việt Nam. Để mọi người, công dân thực hiện các quyền của mình thì Hiến pháp quy định trách nhiệm của Nhà nước là phải ban hành luật hoặc pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người và công dân thực hiện tốt các quyền của mình.

 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam năm 2013 đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đặc biệt, việc hiến định quyền con người trong Hiến pháp là nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người được hiện thực hóa đầy đủ trong thực tiễn.

Tác giả: Trần Thị Tuyết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây