Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự

Thứ năm - 26/05/2016 21:22 6.872 0
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì chỉ có một thủ tục tố tụng chung và duy nhất cho tất cả các loại tranh chấp dân sự với thời hạn giải quyết kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Trên thực tế có nhiều vụ án dân sự đơn giản nhưng lại bị kéo dài một cách không cần thiết do phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định, gây lãng phí thời gian, tốn kém cho Nhà nước và các bên đương sự. Do vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung một phần mới - “Phần thứ tư: Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn” - Đây là một giải pháp cần thiết giúp cho việc giải quyết một số vụ án dân sự được nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
1. Phạm vi áp dụng:

Theo Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thủ tục rút gọn chỉ áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định, không áp dụng để giải quyết việc dân sự.

 2. Điều kiện áp dụng:

Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau (khoản 1 điều 317):
+ Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
+ Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
+ Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới theo quy định tại khoản 3, Điều 317 làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Khi đó, thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

3. Thẩm quyền quyết định áp dụng và cách tính thời hạn trong thủ tục rút gọn:

Theo khoản 1, Điều 318 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trong thời hạn không quá 1 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án Thẩm phán là người có thầm quyền quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn. Như vậy, nếu theo thủ tục thông thường để giải quyết một vụ án dân sự phải mất thời gian ít nhất từ 2 đến 4 tháng (chưa kể thời gian gia hạn và tùy theo từng loại tranh chấp), thì ở thủ tục rút gọn thời hạn chuẩn bị xét xử đã được giảm xuống chỉ còn có 1 tháng và phải mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Tuy nhiên, để tránh xảy ra việc Thẩm phán “lạm quyền” trong việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng đã đưa vào một điều luật (Điều 319) để giám sát, đó là “trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định”. Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định giữ nguyên hoặc hủy quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được khiếu nại, kiến nghị.

4. Trình tự phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn:

Phiên toà xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do 01 Thẩm phán tiến hành, không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân; các đương sự, Kiểm sát viên phải có mặt tại phiên tòa xét xử; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa và đương sự có quyền đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt (Điều 320). Có thể thấy đây là một quy định mới nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi tham gia phiên tòa, khắc phục được tình trạng phiên tòa bị hoãn xét xử nhiều lần do vắng mặt của Kiểm sát viên, bị đơn, người có quyền lợi  nghĩa vụ liên quan mà không có lý do chính đáng như hiện nay; đồng thời cũng giúp cho vụ án được đưa ra xét xử nhanh chóng, kịp thời bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đương sự.

Về trình tự phiên tòa, khoản 3 Điều 320 quy định: sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành hòa giải; trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì Thẩm phán tiến hành xét xử. Việc trình bày, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án được thực hiện theo trình tự thông thường. Phiên tòa xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn không có phần nghị án vì chỉ có một Thẩm phán tiến hành. 

5. Hiệu lực của bán án, quyết định theo thủ tục rút gọn:

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thủ tục phúc thẩm cũng được xây dựng theo hướng rút gọn, do một Thẩm phán tiến hành.

Một điều đáng chú ý nữa có liên quan đến thủ tục rút gọn đó là theo Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì áp dụng mức án phí thấp hơn so với mức án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường.

Như vậy, với việc bổ sung một phần mới về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp về dân sự mà vẫn bảo đảm trình tự tố tụng tối thiểu; giảm nhẹ đáng kể thời gian, công sức, chi phí vật chất cho hoạt động tố tụng của Tòa án và của các đương sự. Bên cạnh đó còn khuyến khích được người dân sử dụng Tòa án như là một cách thức có hiệu quả để giải quyết tranh chấp từ đó hạn chế việc sử dụng các cách thức tiêu cực khác như bắt nợ, đòi nợ thuê... để giải quyết tranh chấp.

Tác giả: Thu Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây