Tại kỳ họp khóa XIII, ngày 27/11/2015 Quốc hội đã thông qua các dự án Luật, Bộ luật quan trọng, trong đó có Bộ luật hình sự năm 2015. So với Bộ luật hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, đổi mới, tiến bộ, minh bạch, có tính dự báo cao. Tuy nhiên, trong thời gian chờ Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành đã phát hiện ra một số điều luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay do vậy theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 29/6/2016 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 để sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 điều 7 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015.
Căn cứ vào Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội, ngày 30/6/2016 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân nhân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 làm cơ sở áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý các hành vi phạm tội, trong đó có nội dung về xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Khoản 1 điều 4 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP quy định: “Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015 đến ngày Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, chỉ áp dụng quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) và khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13”.
Như vậy theo Nghị quyết số 01 nêu trên thì chỉ xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi thỏa mãn 02 điều kiện sau:
- Một là: Đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999;
- Hai là: Đối với các loại tội phạm trong phạm vi 29 tội danh được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015.
Vấn đề ở đây là phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 và khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 là khác nhau. Cụ thể là: Theo khoản 2 điều 12 BLHS năm 1999 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của tội phạm); còn theo khoản 2 điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo một số tội danh cụ thể (29 tội danh) trong đó có cả tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Điều đó đã dẫn đến những cách hiểu, quan điểm áp dụng khác nhau. Ví dụ trong trường hợp phạm tội cụ thể như sau:
VD: Ngày 01/8/2016 A (15 tuổi) phạm tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 điều 137 BLHS năm 1999. A có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS năm 1999 và về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS năm 2015 (trừ 01 tội danh mới chưa được áp dụng “Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”)
Như vậy trong ví dụ trên tuy tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” không thuộc một trong các điều quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS năm 2015 nhưng vì đây là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý (có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm) quy định tại khoản 3 điều 137 BLHS năm 1999 nên A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS năm 1999.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh được quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015.
Cụ thể trong ví dụ trên mặc dù A phạm tội công nhiên chiến đoạt tài sản theo khoản 3 điều 137 là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý nhưng A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì áp dụng nguyên tắc có lợi theo tinh thần Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc các tội danh quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS năm 2015. (Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không được liệt kê trong khoản 2 điều 12 BLHS năm 2015)
Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, vì theo khoản 1 điều 4 của Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm khi thỏa mãn đồng thời cả 2 điều kiện quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS năm 1999 và khoản 2 điều 12 BLHS năm 2015. Có nghĩa là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các điều quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS năm 2015. Mặt khác tại điểm a khoản 4 của Nghị quyết 144 có quy định “… tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết 109/2015/QH13” (điểm đ, khoản 2 điều 1 Nghị quyết 109 có nêu “Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015”)
Như vậy, có thể thấy trong thời điểm hiện nay khi mà Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành nhưng Nghị quyết 144 của Quốc hội lại quy định thực hiện những điểm có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, có nghĩa là về một góc độ cụ thể thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực theo từng phần. Điều đó đã gây ra không ít những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Việc các cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết hướng dẫn thực hiện là điều hết sức cần thiết nhưng cũng không thể giải quyết hết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở các địa phương. Do vậy việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 là vấn đề cấp bách, cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng để sớm đưa vào áp dụng đồng bộ trong thực tiễn.