Theo nội dung vụ án: Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 06/02/2016, tại xóm Báng, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, sau khi sinh hoạt Chi đoàn thôn, do anh Bùi Mạnh Tưởng đã can ngăn Nguyễn Tiến Lực và một số người khác không nên chơi bài tú lơ khơ tại Nhà văn hóa xóm Báng, xã Đức Lý dẫn đến Lực và anh Tưởng cãi nhau rồi đánh nhau bằng chân, tay nhưng được mọi người can ngăn. Sau đó, anh Tưởng và các bạn mình đi về nhà anh Tưởng chơi còn Lực về nhà mình lấy một con dao phay bằng kim loại mũi dao vuông, dài 35 cm, rộng 7 cm đi tìm anh Tưởng để đánh. Anh Nguyễn Quang Hùng thấy Lực cầm dao nên đi theo để can ngăn. Khi đến gần khu vực nhà bà Trần Thị Trà ở xóm Báng, xã Đức Lý thì Lực nhìn thấy anh Tưởng, Lực cầm con dao trên chém một nhát vào trán, một nhát vào tai trái và cổ anh Tưởng gây thương tích. Anh Hùng thấy hai bên đánh nhau nên đã vào can ngăn thì bị Lực dùng dao chém một nhát vào vành tai trái gây thương tích và bị anh Tưởng cầm ngói ném trúng một nhát vào khóe miệng trái gây thương tích.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 1068/C54-TT1 ngày 31/3/2016 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận anh Bùi Mạnh Tưởng bị thương, tổn hại 30% sức khỏe.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 18/16/TgT ngày 13/02/2016 của trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam kết luận anh Hùng bị thương ở vành tai trái tổn hại 01% sức khỏe; vết thương ở phần mềm mép trái và gãy răng 2.3 làm tổn hại 04% sức khỏe.
Anh Hùng không yêu cầu khởi tố đối với Lực và Tưởng.
Tại bản án số 30/2016/HSST ngày 02/6/2016, TAND huyện Lý Nhân đã áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33 BLHS, xử phạt Nguyễn Tiến Lực 30 tháng tù.
Không đồng tình với quyết định của bản án sơ thẩm, VKSND tỉnh Hà Nam cho rằng: Xuất phát từ việc anh Tưởng khuyên can bị cáo không nên chơi bài tú lơ khơ tại Nhà văn hóa xóm Báng, bị cáo đã bực tức và dùng tay, chân đánh anh Tưởng. Sau đó, bị cáo về nhà lấy con dao phay bằng kim loại - là loại hung khí nguy hiểm tìm, chém nhiều nhát vào trán, tai, cổ anh Tưởng - là những điểm xung yếu trên cơ thể; đặc biệt, nhát chém vào trán anh Tưởng gây khuyết xương sọ, có thể nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân. Tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh Tưởng là 30%, liền kề với mức tỷ lệ phải xử lý tại khoản 3 của điều luật (31%). Không những thế, khi được anh Nguyễn Quang Hùng can ngăn, bị cáo lại tiếp tục dùng dao chém anh Hùng gây tổn hại 01% sức khỏe. Như vậy, bị cáo phạm tội với hai tình tiết định khung là hành vi “có tính chất côn đồ” và “dùng hung khí nguy hiểm” được quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS và bị truy tố, xét xử theo khoản 2 Điều 104 BLHS; bị cáo có nhân thân xấu (năm 2013 bị xử phạt hành chính về hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác); hành vi của bị cáo không những trực tiếp gây thương tật, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của anh Tưởng mà còn làm mất trật tự trị an tại địa phương, nhất là trong lúc vừa sinh hoạt Chi đoàn xong, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh và dư luận xã hội. Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 30 tháng tù (hơn mức khởi điểm của khung hình phạt 06 tháng tù) là quá nhẹ, chưa nghiêm, không tương xứng với hành vi phạm tội bị cáo gây ra, chưa đủ tác dụng giáo dục, răn đe bị cáo và phòng ngừa chung, không bảo đảm quy định tại Điều 45 BLHS về căn cứ quyết định hình phạt. Do đó, ngày 30/6/2016, VKSND tỉnh Hà Nam đã ban hành kháng nghị số 964/KN-VKS để xét xử theo trình tự phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Tiến Lực.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Hà Nam, sửa bán án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Lực 36 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.