Theo quy định tại khoản 1 đến khoản 5 Điều 134 BLHS năm 2015 đều lấy hậu quả xảy ra (được thể hiện trong bản kết luận giám định của cơ quan chuyên môn) làm căn cứ đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, so với BLHS 1999, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định khoản 6 Điều 134 về trường hợp chuẩn bị phạm tội, ở trường hợp này hậu quả chưa xảy ra nhưng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự. Chuẩn bị phạm tội ở đây là chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, … nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chứ chưa gây ra hậu quả trên thực tế.
Trong khoa học hình sự, tội cố ý gây thương tích là tội có cấu thành vật chất. Vì vậy giữa hành vi và hậu quả có quan hệ nhân quả, hành vi trái pháp luật được coi là nguyên nhân, tuy giữ vai trò quyết định đối với sự phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng hậu quả đó xảy ra hay không và xảy ra như thế nào còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như được ngăn chặn, cứu chữa kịp thời... Hậu quả xảy ra có ý nghĩa xác định tội phạm đó là đã hoàn thành hay chưa. Vì vậy, việc xử lý hành vi phạm tội “Cố ý gây thương tích” ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội là hoàn toàn có căn cứ.
Tương tự đối với trường hợp cố ý gây thương tích ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì hậu quả cũng chưa xảy ra trên thực tế và vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội chưa đạt. Tại Điều 15 BLHS quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.
Quy định này trên là cần thiết để xử lý triệt để người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn có những quan điểm khác nhau về việc có truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp này hay không, dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Ví dụ: Do A có mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai với B, nên ngày 01/7/2019 khi thấy B đang xây tường bao trên phần đất tranh chấp, A yêu cầu B dừng ngay việc xây tường nhưng B không thực hiện, A chạy về nhà lấy con dao mục đích đuổi chém gây thương tích cho B để rằn mặt, B bỏ chạy trên tay cũng cầm một con dao phay. A đuổi kịp và đạp 01 nhát vào người B, làm B ngã ra, lúc này C (là vợ A) chạy đến giữ tay A không cho A tiếp tục đánh B, đúng lúc đó B nhổm dậy dùng con dao đang cầm trên tay đâm 01 nhát vào bụng A. Hậu quả, A bị thương tích 30%, B không bị thương tích gì. Hỏi: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội “Cố ý gây thương tích” không?
+ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A vì hành vi của A chưa gây ra hậu quả là thương tích gì cho B nên không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích.
+ Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A vì hành vi của A tuy chưa gây hậu quả là thương tích đối với B nhưng đã thỏa mãn cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Trường hợp không xác định được thuộc khoản nào thì truy cứu A theo khoản 1 Điều 134 BLHS và cần có đơn yêu cầu khởi tố của B theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS.
Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, vì tuy hậu quả chưa xảy ra nhưng tính nguy hiểm là đáng kể bởi hành vi mà A thực hiện là do cố ý và hậu quả chưa xảy ra hoàn toàn do nguyên nhân khách quan và trái với mong muốn của A (ở ví dụ trên do bị người thứ ba là C can ngăn) nên hành vi của A dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý hành vi gây thương tích trong trường hợp này còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định như việc xác định người bị hại, chứng minh hành vi phạm tội sẽ khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị liên ngành trung ương có hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp này.