Kinh nghiệm từ một bản kháng nghị phúc thẩm

Thứ ba - 14/01/2014 01:54 1.431 0
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án Trương Văn Huy phạm tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện Duy Tiên. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam thông báo rút kinh nghiệm một số vấn đề sau:
1. Nội dung vụ án:
Khoảng 21 giờ ngày 21/6/2010, tại cống thôn Nhì, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Trương Văn Huy biết em trai mình là Trương Văn Toàn đi đánh nhau nên Huy đã chuẩn bị 01 dao Inox và 03 tuýp sắt. Đến nơi, khi thấy Nguyễn Đức Thành đang ôm Toàn, nghĩ Toàn bị đánh nên Huy đã dùng dao đâm liên tiếp 3 nhát vào mặt ngoài giữa cánh tay phải, lưng phải và hố thắt lưng trái anh Thành làm anh Thành phải cắt bỏ 01 quả thận trái.
Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Duy Tiên trên cơ sở đơn yêu cầu của anh Thành đã khởi tố, điều tra đối với Huy về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 BLHS. Đến ngày 24/9/2010, đã ra quyết định đình chỉ vụ án, bị can với lý do người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố và ra quyết định xử lý hành chính.
Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, VKSND huyện Duy Tiên nhận thấy hành vi của Trương Văn Huy dùng dao đâm 03 nhát làm anh Thành phải cắt bỏ 01 quả thận trái là rất nguy hiểm, đối chiếu với Thông tư số 12 ngày 26/7/1995 của liên bộ Y tế - Lao động, Thương binh và Xã hội thì mức độ tổn hại sức khỏe của anh Thành thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Sau khi được VKSND huyện Duy Tiên động viên, giải thích, người bị hại đã đồng ý hợp tác với cơ quan pháp luật đi giám định. Kết quả, Viện Giám định pháp y quốc gia kết luận: anh Thành bị tổn hại 46% sức khỏe. Trên cơ sở kết quả giám định, VKSND huyện Duy Tiên đã ra Quyết định hủy bỏ Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can và yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Duy Tiên ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án, bị can. Ngay sau đó, Trương Văn Huy bỏ trốn và bị truy nã từ năm 2010, đến ngày 29/5/2013, Huy đã ra đầu thú.
Từ nội dung vụ án nêu trên, tại Bản án số 70/2013/HSST ngày 27/9/2013, TAND huyện Duy Tiên đã áp dụng Khoản 3 Điều 104, các điểm b, đ, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46, Điều 47 BLHS xử phạt bị cáo Huy 04 năm 06 tháng tù.
Trong thời hạn luật định, VKSND huyện Duy Tiên đã ban hành kháng nghị theo hướng: đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt tù và không cho bị cáo Trương Văn Huy được hưởng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 26/12/2013, TAND tỉnh Hà Nam đã mở phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm có sự tham gia của Luật sư bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Huy. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Chấp nhận kháng nghị của VKS, tăng hình phạt tù.
2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
a) Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 46 BLHS: “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra” là không chính xác.
          Khi đến hiện trường, thấy anh Thành đang ôm Toàn, bị cáo chưa tìm hiểu sự việc, chưa biết em mình có bị ai đánh không, thương tích như thế nào, đồng thời các đối tượng khác đã bỏ chạy hết, không còn bất cứ sự nguy hiểm, đe dọa nào đối với bị cáo và em trai bị cáo, nhưng ngay lập tức bị cáo đã dùng dao đâm anh Thành 3 nhát. Trong trường hợp này, không thể coi là phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần bởi bản thân người bị hại là anh Thành cũng chưa có hành vi gì gây thiệt hại cho sức khỏe của Toàn. Hành vi của bị cáo thể hiện tính côn đồ, hung hãn. Trong khi đó, bị cáo có đủ bình tĩnh, sáng suốt để lựa chọn cách xử sự như can ngăn, hỏi rõ sự việc nhưng bị cáo đã chủ động tấn công người bị hại như nêu trên.
          b) Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại  Điểm b Khoản 1 Điều 46 BLHS:
Như đã phân tích ở trên, việc bồi thường của gia đình bị cáo với gia đình bị hại là có điều kiện. Đối chiếu với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 BLHS và Nghị quyết số 01 ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao: chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trong trường hợp người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Từ sự phân tích nêu trên, VKSND tỉnh đã có quan điểm: không có căn cứ áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều 46 BLHS đối với bị cáo như cấp sơ thẩm đã áp dụng.
c) Việc áp dụng Điều 47 BLHS:
Điều 47 quy định: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định…”.
Trong vụ án này, bị cáo chỉ được hưởng 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm p Khoản 1 Điều 46 BLHS nên không đủ điều kiện để áp dụng Điều 47 xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Mặt khác, thương tích bị cáo gây ra cho người bị hại là 46% (thuộc quy định tại Khoản 3 Điều 104 BLHS có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%) nên hình phạt mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo rõ ràng là không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
VKSND huyện Duy Tiên đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nắm chắc các quy định của pháp luật và có những biện pháp nghiệp vụ tác động kịp thời, xác định đúng vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, ban hành kháng nghị đảm bảo có căn cứ và chất lượng, giúp cho việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ công lý.

Tác giả: Phòng 3

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây