Theo đó, người bị kết án phạt tù nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Các quy định pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đã cơ bản tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng trong thực tế; bên cạnh đó cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế dẫn đến sự không thống nhất trong việc áp dụng giữa các Cơ quan có trách nhiệm trong công tác xét giảm án.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu ra một số vướng mắc thông qua thực tiễn áp dụng pháp luật về xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người đã thành niên phạm tội, từ đó đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quy định của luật.
1. Về cách tính thời gian đã chấp hành án của phạm nhân để làm căn cứ xét giảm đối với trường hợp phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù chung thân lại phạm tội mới
Hiện nay có một số trường hợp phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù chung thân lại phạm tội mới và bị xử phạt tù có thời hạn, sau khi tổng hợp hình phạt, Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là tù chung thân, nhưng việc tính thời hạn tù chung thân kể từ khi nào (từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm trước hay kể từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm mới) thì chưa có văn bản hướng dẫn. Từ đó dẫn đến trong bản án, có Tòa án ghi: Áp dụng khoản 1 Điều 50 BLHS, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm trước; có Toà án tính thời hạn tù chung thân kể từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm mới.
Điều này dẫn đến việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân trong thực tiễn không thống nhất. Bởi vì, một trong những điều kiện làm căn cứ để xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân là phạm nhân đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian nhất định và thời gian chấp hành hình phạt tù của phạm nhân được tính kể từ ngày bị tạm giữ, tạm giam. Do đó, nếu Tòa án tuyên thời hạn chấp hành hình phạt tù chung thân kể từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm trước thì khi xét giảm sẽ xác định thời gian chấp hành hình phạt của phạm nhân cũng được tính từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm trước. Ngược lại, nếu Tòa án tuyên phạt bị cáo và tính thời hạn chấp hành hình phạt tù chung thân kể từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm mới thì khi xét giảm sẽ xác định thời gian chấp hành hình phạt của phạm nhân được tính từ ngày tạm giữ, tạm giam của tội phạm mới. Như vậy tạo ra sự thiếu công bằng trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với một số phạm nhân. Để tạo được sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cần quy định cụ thể về cách tính thời hạn chấp hành án phạt tù đối với trường hợp nêu trên.
2. Trường hợp bị cáo bị xử phạt tù chung thân theo Bộ luật hình sự năm 1985 chưa được xét giảm xuống tù có thời hạn, lại tiếp tục phạm tội mới trong thời gian chấp hành án và bị xử phạt tù có thời hạn theo quy định của BLHS năm 1999 thì lần đầu được giảm xuống 20 năm tù hay 30 năm tù
Khoản 1 Điều 58 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung quy định: “Phạm nhân bị phạt tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm”. Tuy nhiên, do chỉ quy định chung chung là tù chung thân dẫn đến đối với tình huống sau đây trong thực tiễn còn nhiều quan điểm áp dụng pháp luật.
Ví dụ: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 10/1996/HSST ngày 15/5/1996 của Tòa án nhân dân tỉnh H đã tuyên phạt Nguyễn Văn A mức án tù chung thân về tội "Giết người". Trong thời gian chấp hành án tại Trại giam, ngày 10/10/2000 A tiếp tục phạm tội mới và bị Tòa án nhân dân tỉnh H tuyên phạt 03 năm 06 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích". Tổng hợp hình phạt của hai bản án này theo quy định của BLHS năm 1999 buộc A phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân. Vậy, khi đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì lần đầu A sẽ được xét giảm xuống 20 năm tù (theo BLHS năm 1985) hay 30 năm tù (theo BLHS năm 1999)?
Thực tiễn có những quan điểm giải quyết như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, nên áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985. Theo đó, Điều 49 BLHS năm 1985 quy định về giảm thời hạn chấp hành hình phạt như sau: " ... Người bị xử phạt chung thân, lần đầu được giảm xuống hai mươi năm tù...".
Bởi lẽ, căn cứ quy định tại điểm c mục 2 Nghị quyết số 32/1999/NQ-QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội về việc thi hành BLHS thì: "Các điều luật quy định... giảm hình phạt... và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2000 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản pháp luật hình sự trước đây để giải quyết". Trong trường hợp này hành vi giết người đã xảy ra trước 00 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2000 và việc áp dụng các quy định về xét giảm án tại BLHS năm 1985 sẽ có lợi hơn so với việc áp dụng các quy định về xét giảm án tại BLHS năm 1999 (phạm nhân được giảm án lần đầu xuống 20 năm tù sẽ có lợi hơn xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù) nên phải áp dụng các quy định của BLHS năm 1985.
Ngoài ra, do năm 1996 A bị xử phạt tù chung thân nên đây là tiền đề, là một trong những căn cứ dẫn đến sau khi tổng hợp với hình phạt tù có thời hạn A vẫn phải chấp hành hình phạt tù chung thân. Vì vậy phải áp dụng BLHS năm 1985 theo nguyên tắc có lợi để xét giảm án cho phạm nhân. Riêng tội danh bị cáo phạm phải năm 2000 sẽ được xem là căn cứ để thêm kỳ xếp loại thi đua cho phạm nhân khi xét giảm theo Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/05/2013 hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02).
Quan điểm thứ hai cho rằng, nên áp dụng các quy định của BLHS năm 1999, theo đó, lần đầu A được giảm xuống 30 năm tù.
Bởi lẽ, trong trường hợp này khi được xét giảm án thì A đang chấp hành hình phạt tù chung thân theo quy định của BLHS năm 1999 (Tòa án tuyên phạt bị cáo tù chung thân theo quy định của BLHS năm 1999 sau khi đã tổng hợp hình phạt). Vì vậy, căn cứ xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với A là các quy định của BLHS năm 1999 và các văn bản hướng dẫn đang có hiệu lực. Hơn nữa, cơ sở của việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là sự cải tạo thực sự có tiến bộ của phạm nhân, tức là phạm nhân phải luôn chấp hành tốt nội quy của Trại giam, các quy định của pháp luật, tích cực học tập, lao động, thể hiện rõ sự chuyển biến về nhận thức, không tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên trong trường hợp này, Nguyễn Văn A tiếp tục phạm tội mới trong thời gian chấp hành án. Điều đó chứng tỏ A là đối tượng khó giáo dục và chưa thực sự cải tạo tiến bộ nên việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cần phải chặt chẽ hơn mới bảo đảm được tính khách quan, công bằng, chính xác.
Tác giả cho rằng cách hiểu theo quan điểm thứ nhất là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Bởi lẽ, giảm án là chế định thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội. Mặc dù phạm nhân phạm tội mới trong khi đang chấp hành án nhưng cũng cần phải ghi nhận quá trình cải tạo tiến bộ của phạm nhân trong khoảng thời gian trước đó để xem xét việc xét giảm. Mặt khác, khoản 4 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02 đã nêu rõ: “Phạm nhân có tiền án phải có thời gian thử thách nhiều hơn và có số kỳ xếp koại từ khá trở lên nhiều hơn so với những phạm nhân chưa có tiền án, ứng với mỗi tiền án là một kỳ 6 tháng xếp loại khá trở lên. Đối với phạm nhân bị phạt tù từ 3 năm trở xuống, ứng với mỗi tiền án là một quý xếp loại từ khá trở lên”. Như vậy, ngoài việc chấp hành được 10 năm tù, Nguyễn Văn A còn phải có thêm một kỳ 6 tháng xếp loại từ khá trở lên thì mới được xem xét xét giảm. Áp dụng quy định này đã thể hiện tính nghiêm minh hơn khi xét giảm án đối với những trường hợp phạm tội mới, đồng thời bảo đảm tính công bằng so với những trường hợp không phạm tội mới.
3. Về mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02 quy định "Phạm nhân bị phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mỗi lần có thể được giảm từ một tháng đến ba năm...". Như vậy, mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có khoảng cách quá dài, trong khi điều kiện xếp loại chỉ dựa vào mức tốt hoặc khá, không hướng dẫn cụ thể mức giảm theo tiêu chuẩn nào sẽ gây ra sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác xét giảm án, thậm chí là khác quan điểm ngay trong cùng một ngành.
Một số kiến nghị
Để việc áp dụng pháp luật đối với những trường hợp nêu trên được thống nhất trong thời gian tới, các nhà làm luật cần có những hướng dẫn cụ thể. Ở đây, tác giả xin đưa ra một số giải pháp sửa đổi như sau:
Thứ nhất: Trong trường hợp tổng hợp hình phạt của hai bản án trong đó bản án thứ nhất tuyên phạt tù chung thân và bản án sau tuyên phạt tù có thời hạn cần quy định cụ thể cách tính thời hạn chấp hành hình phạt tù theo hướng: Thời hạn thi hành án tính từ ngày tạm giữ, tạm giam của bản án chung thân để có lợi cho bị cáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong công tác xét giảm án.
Thứ hai: Các cơ quan liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp nêu tại mục 2 của bài viết này theo hướng: lần đầu phạm nhân được xét giảm xuống 20 năm tù theo đúng tinh thần Nghị quyết số 32 của Quốc hội.
Thứ ba, Có hướng dẫn cụ thể hơn về mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mỗi lần đối với phạm nhân. Ví dụ như lần đầu được giảm 3 tháng tù và các lần giảm tiếp theo thì áp dụng mức giảm theo phương pháp tịnh tiến (tăng 1 tháng, 2 tháng hoặc 3 tháng so với lần giảm trước) để tạo động lực cho phạm nhân thi đua cải tạo cũng như bảo đảm sự công bằng và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác xét giảm án.