Tóm tắt nội dung vụ án: Gia đình ông Phạm Văn Toàn và gia đình bị cáo Nguyễn Thị Chi vốn là hàng xóm, ở cùng thôn Đồng Lư, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nhưng từ lâu giữa hai bên đã có mâu thuẫn về việc tranh chấp đất đai. Khoảng 17 giờ 15 phút ngày 26/02/2016, ông Toàn phát hiện thấy ở bên thửa đất vườn nhà Chi có một rãnh nước mới đào sát ngay thửa đất vườn nhà mình. Cho rằng gia đình bị cáo Chi cố tình đào rãnh thoát nước nhằm mục đích khi trời mưa, đất vườn nhà mình sẽ lở sang đất vườn nhà bị cáo Chi nên ông Toàn đã chửi bị cáo. Khi đó, Nguyễn Thị Chi đang ngồi thái rau ở sân nghe thấy liền cầm 01 con dao Thái Lan dài 31,5 cm, rộng 2,5 cm đi ra vườn nhà mình cãi nhau với ông Toàn. Thấy vậy, anh Phạm Văn Thịnh là con trai ông Toàn đang ở gần đó chạy ra để can ngăn. Bị cáo Chi cho rằng anh Thịnh ra để đánh mình nên đã giơ dao chém anh Thịnh, anh Thịnh giơ tay trái lên đỡ dẫn đến bị dao chém vào mặt trong cổ tay trái.
Tại bản kết luận giám định số 33/TgT ngày 24/3/2016 của Trung tâm pháp y Hà Nam kết luận:
"1. Dấu hiệu chính qua giám định.
Vết thương cẳng tay trái làm đứt gân gấp cổ tay trái, đứt không hoàn toàn thần kinh trụ đoạn cổ tay trái, hạn chế vận động gấp cổ tay và ngón IV, V bàn tay trái.
2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 28%..."
Từ nội dung vụ án nêu trên, tại bản án hình sự sơ thẩm số 37/2016/HSST ngày 23/6/2016 của Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân đã xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Chi 18 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, buộc bị cáo phải bồi thường cho người bị hại 36.511.000 đồng.
Không đồng tình với phán quyết của Tòa án, ngày 30/6/2016 người bị hại là anh Phạm Văn Thịnh có đơn kháng cáo; tiếp đó, ngày 06/7/2016, VKSND huyện Lý Nhân ban hành kháng nghị số 01/QĐ-VKS-KNPT đều đề nghị cấp phúc thẩm xét xử vụ án theo hướng: tăng hình phạt tù và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo Nguyễn Thị Chi.
Sau khi thụ lý, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án cũng như nội dung kháng cáo, kháng nghị; từ đó nhận định và đề xuất lãnh đạo Viện bảo vệ quan điểm kháng nghị và chấp nhận nội dung kháng cáo.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã chủ động xét hỏi, tích cực tranh luận, trong đó tập trung phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo và việc áp dụng hình phạt, quyết định mức bồi thường của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa tương xứng để bảo vệ Kháng nghị của Viện kiểm sát, cụ thể như: bị cáo chém anh Phạm Văn Thịnh, gây tổn hại cho anh 28% sức khỏe, vết thương đã để lại cố tật, khó phục hồi, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, lao động của anh Thịnh cũng như cuộc sống của gia đình anh đang phải nuôi con nhỏ, anh lại là lao động chính; Sau khi thực hiện hành vi, bị cáo quanh co, cho rằng mình chỉ vô ý gây thương tích cho anh Thịnh, việc bị cáo nhận tội tại Cơ quan điều tra là do bị ép nhận, ép ký vào các biên bản hỏi cung. Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù đã xác định rõ việc bị cáo khai bị ép cung là không có căn cứ, nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn nhận định bị cáo thành khẩn hạn chế và cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS và coi đây là một trong những căn cứ để áp dụng Điều 47 BLHS đối với bị cáo, từ đó quyết định mức hình phạt dưới khung đối với bị cáo là không chính xác. Về khoản yêu cầu do bị mất thu nhập 4 tháng, bản án nhận định, đánh giá anh Thịnh bị mất thu nhập 2 tháng, giảm thu nhập 2 tháng là không hợp lý. Bởi lẽ, sau khi bị thương tích anh Thịnh đã phải nghỉ lao động 4 tháng. Hiện tại anh Thịnh đã lao động được nhưng chỉ làm được các công việc nhẹ. Vì vậy, Bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho người bị hại 36.511.000 đồng là chưa bảo đảm quyền lợi của anh... Đồng thời, phát biểu quan điểm và đề nghị HĐXX căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248, khoản 3 Điều 249 BLTTHS, chấp nhận kháng nghị và kháng cáo.
Trước những phân tích và lập luận của Viện kiểm sát, HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận và xử phạt Nguyễn Thị Chi 24 tháng tù; đồng thời, buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thêm 5 tháng lương tối thiểu, tương ứng với 42.000.000 đồng cho người bị hại.