Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục với công tác “Tăng cường phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp”

Thứ tư - 27/01/2016 01:39 1.309 0
Công cuộc cải cách tư pháp trong những năm gần đây được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây là một trong những chủ trương lớn của Đảng được thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị.
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết nêu trên, những năm gần đây, toàn Ngành kiểm sát nhân dân nói chung, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam nói riêng đã tập trung chỉ đạo Viện kiểm sát 2 cấp không ngừng đổi mới, đề ra nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Một trong số biện pháp mang lại hiệu quả cao đó là việc tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp.

Trong những năm qua Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục đã tích cực, chủ động phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức được nhiều phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, đưa đi xét xử lưu động nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét sử sơ thẩm các vụ án hình sự.

Theo con số thống kế trong 3 năm qua, mỗi năm Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức được từ 7 đến 9 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, bình quân mỗi Kiểm sát viên của đơn vị được giao thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử ít nhất 2 phiên toà rút kinh nghiệm. Các phiên tòa lựa chọn để tổ chức rút kinh nghiệm là phiên tòa xét xử những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, còn có quan điểm khác nhau về tội danh hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhất là những vụ án có Luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, cho người bị hại; nhiều vụ được tổ chức có Kiểm sát viên Viện kiểm sát các huyện, thành phố và đại diện Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh tham dự, rút kinh nghiệm. Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên đã chủ động nghiên cứu kỹ hồ sơ, dự thảo luận tội, dự kiến tình huống tranh luận, đề cương xét hỏi đầy đủ, chi tiết; tại phiên tòa các Kiểm sát viên đã chủ động xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo; tranh luận dân chủ với bị cáo, luật sư; chủ động, linh hoạt hơn trong việc xử lý tình huống phát sinh, ví dụ như trường hợp tại phiên tòa bị cáo chối tội, Kiểm sát viên đã đưa ra các chứng cứ chứng minh sắc bén, buộc bị cáo cúi đầu nhận tội. Sau phiên tòa, đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm nghiêm túc, giúp cho Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa và các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ tham dự rút ra những mặt mạnh để học tập và rút kinh nghiệm những điểm còn hạn chế. Đây là một biện pháp đào tạo tại chỗ rất hiệu quả, giúp cán bộ, Kiểm sát viên tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, nâng cao bản lĩnh và kỹ năng nghiệp vụ, ứng xử tại phiên tòa...Qua đó chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Từ các phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo đơn vị đã thấy được những ưu, khuyết điểm của Kiểm sát viên để theo dõi, đánh giá cán bộ chính xác, toàn diện để kịp thời có phương hướng đào tạo bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, trình độ của từng đồng chí. Đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong chỉ đạo giải quyết vụ án.

Đối với ngành bạn, khi được phân công xét xử vụ án do Viện kiểm sát và Tòa án phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử cũng thận trọng hơn trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ, tôn trọng sự thật khách quan của vụ án và ra bản án đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, mỗi năm Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục còn phối hợp tổ chức được 2 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự, phát huy tác dụng tốt trong việc rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ trong đơn vị.
 

Ảnh minh họa
 
Từ thực tiễn và những bài học kinh nghiệm đã rút ra, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục đề xuất một số giải pháp để việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp tiếp tục phát huy hiệu quả:

Thứ nhất: Viện kiểm sát nhân dân hai cấp, nhất là cấp huyện phải tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên, thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ về mọi mặt từ cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thứ hai: Phải nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, đây là biện pháp có hiệu quả nhất để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ. Từ đó đề ra các hình thức tổ chức thực hiện phù hợp, bảo đảm thiết thực, có hiệu quả; tránh hình thức, chạy theo chỉ tiêu về số lượng.

Thứ ba: Cần đặc biệt chú ý trong việc lựa chọn vụ án điển hình ở địa phương, các vụ án được cấp ủy, chính quyền và dư luận xã hội quan tâm hoặc những vụ án mà bị cáo ngoan cố không nhận tội, những vụ có tính chất rất nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại lớn về sức khỏe, tài sản hoặc gây dư luận xấu trong xã hội; Kiên quyết không chọn các phiên tòa có tính chất đơn giản để tổ chức rút kinh nghiệm. Kết hợp việc xác định án trọng điểm và việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với xét xử lưu động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật.

Thứ tư: Bên cạnh việc lựa chọn vụ án, cần quan tâm đến việc lựa chọn Kiểm sát viên. Để làm tốt chức năng của Viện kiểm sát tại phiên tòa, lãnh đạo đơn vị phải lựa chọn và phân công Kiểm sát viên từ giai đoạn kiểm sát điều tra để chủ động tổng hợp, phân tích các tình tiết của vụ án, nắm chắc các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, kịp thời báo cáo lãnh đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trước khi xét xử, Kiểm sát viên phải dự thảo luận tội, dự kiến đề cương xét hỏi, các vấn đề cần tranh luận, đối đáp tại phiên tòa, đồng thời tập hợp các văn bản có liên quan làm căn cứ để buộc tội, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để tranh luận, đối đáp. Trong quá trình xét xử, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố phải kiểm tra chứng cứ đã thu thập trong quá trình điều tra, luận tội để bảo vệ cáo trạng, đồng thời kiểm sát hoạt động của những người tiến hành và tham gia tố tụng nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, kịp thời nắm bắt, bổ sung những diễn biến mới tại phiên tòa. Trên cơ sở đó phát biểu quan điểm, đề nghị đường lối xử lý toàn diện vụ án. 

Thứ năm: Ngoài việc tự tổ chức cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên tham dự các phiên tòa do Kiểm sát viên của đơn vị mình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát tỉnh nên mở rộng thành phần tham dự các phiên tòa của các đơn vị khác. Để tránh hình thức, đề nghị Viện kiểm sát tỉnh chỉ đạo thống nhất về các vấn đề cần được nhận xét, rút kinh nghiệm của mỗi phiên tòa; đánh giá những ưu, khuyết điểm, rút kinh nghiệm cho kiểm sát viên cả về tác phong, cách ứng xử và các thao tác nghiệp vụ, như: cách đọc cáo trạng, trình bày luận tội, nội dung xét hỏi, đối đáp, tranh luận tại phiên tòa và giải quyết các vấn đề liên quan, việc cập nhật các diễn biến tại phiên tòa...

Thứ sáu: Chủ động phối hợp chặt chẽ với Tòa án cùng cấp trên cơ sở Quy chế phối hợp liên ngành để việc lựa chọn phiên tòa, quy mô tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm thuận lợi, có hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trên địa bàn, khi tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có sự tham gia của cả 3 cơ quan để sau khi kết thúc phiên tòa, tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ quan trong công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ bảy: Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho Viện kiểm sát cấp huyện; đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam triển khai lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin quan sát các phiên tòa tại các phòng xét xử của Tòa án và trụ sở Viện kiểm sát hai cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhân rộng mô hình mà Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang và một số Viện kiểm sát các địa phương khác trên toàn quốc đã triển khai thực hiện để Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam có điều kiện thuận lợi, tham gia tổ chức các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành.

Tác giả: Nguyễn Anh Bình - Viện trưởng VKSND huyện Bình Lục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây