Một số điểm mới trong nội dung Báo cáo chính trị và các tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX

Thứ tư - 23/09/2015 03:35 2.093 0
Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 22 đến 24/9/2015. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Đại hội đã hoàn tất. Dưới đây là một số điểm mới trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và các tham luận trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX
Đưa ra chủ đề Đại hội

Trên tinh thần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng, cũng như những thành tựu kinh tế - xã hội mà Hà Nam đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Khóa XVIII đã quyết định rút ra tiêu đề báo cáo cũng chính là chủ đề Đại hội, nhằm thể hiện rõ phương châm lãnh đạo, mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới. Theo đó Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX sẽ có chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững”.

 
Báo cáo chính trị đưa ra 3 khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ tới
 
Để thực hiện được các mục tiêu trong chủ đề Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã chỉ ra 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây cũng chính là những khâu giải quyết các điểm nghẽn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay.

Về khâu đột phá thứ nhất: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững”. Những năm gần đây, công nghiệp Hà Nam đã có những bước đi tương đối vững chắc và công nghiệp vẫn được xác định là động lực chính để phát triển nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, lý do BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII quyết định chọn nông nghiệp là khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới bởi Hà Nam có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp nhưng hiệu quả khai thác trong lĩnh vực này lại chưa cao, giá trị đóng góp vào nền kinh tế chung còn thấp (5 năm, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản mới đạt hơn 10.000 tỷ đồng trong khi giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 76.000 tỷ đồng). Đây chính là điểm nghẽn, điểm bất cập ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của tỉnh cần được khắc phục trong thời gian tới. Mặt khác, phần lớn người dân trong tỉnh đang sống ở khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cao hơn so với các lĩnh vực khác nhưng thu nhập của người dân khu vực nông thôn lại thấp (năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 29 triệu đồng/người - thấp hơn nhiều so với GDP bình quân đầu người toàn tỉnh là 42,33 triệu đồng/người). Vì vậy, để nâng cao đời sống người dân nông thôn, tạo nền tảng xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững, trước hết phải đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích và từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Về khâu đột phá thứ hai: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách vào thực tiễn của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển bền vững”. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng song chỉ số xếp hạng cải cách thủ tục hành chính của Hà Nam vẫn rất thấp. Vì vậy, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu bức thiết buộc các cấp, các ngành trong tỉnh phải khắc phục trong nhiệm kỳ tới để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, đây cũng chính là khâu đột phá thể hiện rõ mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên của BCH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy với phương châm “ổn định là tiền đề, đổi mới là động lực phát triển, phát triển là mục tiêu, nền tảng và then chốt để giải quyết mọi vấn đề”.

Khâu đột phá thứ ba: “Nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trọng tâm là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị”. Đây cũng chính là khâu then chốt mang tính quyết định sự thành bại của mọi chủ trương, đường lối. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác cán bộ càng quan trọng trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và các cấp ủy Đảng từ trung ương đến cơ sở đang thực hiện Nghị quyết TW 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Riêng đối với Hà Nam, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều mục tiêu lớn, vì vậy việc phát triển nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng) vẫn phải được coi trọng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện những dự án lớn cần giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, đòi hỏi phải phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Và muốn làm được như vậy thì cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu, tạo niềm tin trong nhân dân.

Hệ thống các chỉ tiêu được cụ thể hóa
Điểm mới nữa trong Báo cáo chính trị trình Đại hội lần này chính là hệ thống các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 được cụ thể hóa và chi tiết hơn so với những Đại hội trước. Nếu như Báo cáo chính trị trình những Đại hội trước thường chỉ có từ 14 đến 15 chỉ tiêu mang tính tổng hợp thì Báo cáo chính trị lần này được xây dựng với 29 chỉ tiêu, nằm trong 7 nhóm lĩnh vực, gồm: kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển nhà ở và phát triển đô thị, an toàn giao thông, xây dựng Đảng. Trong đó, có một số chỉ tiêu mang tính cách mạng như: thu cân đối ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm, đến năm 2020 đạt 7.040 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4%/năm; đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội còn dưới 30%... Việc cụ thể hóa các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới 2015 - 2020 thể hiện quyết tâm, tính chiến đấu của Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp tỉnh.

Nội dung tham luận và cách thức thể hiện được đổi mới
33 tham luận tại Đại hội lần này sẽ được trình bày theo hướng đi thẳng vào vấn đề một cách ngắn gọn, súc tích. Tham luận phải đặt vấn đề, phân tích vấn đề và giải quyết được vấn đề đưa ra. Thể hiện rõ quyết tâm, giải pháp, trách nhiệm của cá nhân người tham luận trong việc góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.

Trên cơ sở những thành tựu mà Hà Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng tư duy đổi mới, quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tin rằng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hà Nam sẽ có bước phát triển nhanh, bền vững và vững bước trên con đường hội nhập./.

Tác giả: Theo hanamtv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây