Những mốc son Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam (Từ Hội nghị năm 1931 đến Đại hội lần thứ XIX năm 2015)

Thứ sáu - 18/09/2015 02:50 2.854 0
1. Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam (1931) Ngày 22/1/1931, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam diễn ra tại Lũng Xuyên, huyện Duy Tiên, đại biểu của Xứ uỷ và 13 đại biểu trong tỉnh tham dự. Hội nghị đã được học tập Luận cương chính trị, nghiên cứu Điều lệ, nghe thông báo về việc đổi tên Đảng, kiểm điểm tình hình và đề ra những chủ trương mới. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng, củng cố phát triển Đảng và các tổ chức quần chúng, nhất là Nông hội đỏ, Hội nghị còn bàn đến vấn đề đấu tranh chống lại những biểu hiện của tư tưởng tả hoặc hữu khuynh trong Đảng, định rõ trách nhiệm của người đảng viên trong lãnh đạo quần chúng; đi sâu đi sát cơ sở để củng cố phong trào. Hội nghị quyết định ra tờ báo Đỏ cơ quan ngôn luận của Đảng bộ; bầu Ban Tỉnh uỷ chính thức, gồm 7 đồng chí: Đồng chí Lê Công Thanh, Bí thư, phụ trách chung, trực tiếp phụ trách huyện Kim Bảng và Chi Nê; đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, phụ trách tuyên truyền huấn luyện; đồng chí Nguyễn Duy Huân, phụ trách thị xã Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, công tác phụ vận; đồng chí Vũ Uyển, phụ trách huyện Lý Nhân; đồng chí Ngô Văn Bảy, phụ trách huyện Bình Lục; đồng chí Phạm Văn Tô, phụ trách huyện Duy Tiên; đồng chí Nguyễn Văn An, phụ trách huyện Thanh Liêm.
2. Đại hội  đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ II (1949)

Khai mạc vào ngày 10/9/1949 tại thôn Văn Lâm (xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm). Các đại biểu đã thảo luận và tham gia ý kiến vào các đề án của Trung ương Đảng, cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Liên khu III và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 13 uỷ viên do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (tức Ngô Duy Đông) làm Bí thư.

Sau Đại hội, Tỉnh uỷ đẩy mạnh công tác kiểm tra nội bộ, chấn chỉnh tổ chức; đã mở nhiều lớp giáo dục đảng viên, đào tạo chi uỷ viên và huyện uỷ viên, triển khai trong toàn Đảng bộ học tập cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục bồi dưỡng nhiệt tình cách mạng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức vào tác phong của người cộng sản. Nhiều chi bộ đăng kí phấn đấu xây dựng “Chi bộ tự động công tác toàn diện”, tổ chức cho đảng viên học tập tài liệu “5 bước công tác”. Tỉnh uỷ đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng chi bộ Thanh Châu (Thanh Liêm) và Kim Bình (Kim Bảng) thành những “Chi bộ tự động toàn diện”. Tính đến cuối năm 1949 toàn tỉnh đã có 30% chi bộ đạt danh hiệu Chi bộ tự động toàn diện trong công tác.

3. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ III (1959)

Diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/1/1959. Đại hội đã đề ra phương hướng: “Phải tiến hành cải tạo, phát triển kinh tế trên cả 3 mặt: nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp; lấy cải tạo và phát triển nông nghiệp là trọng tâm; đẩy mạnh phong trào đổi công, hợp tác; có kế hoạch cụ thể chấn chỉnh tổ chức phù hợp với tình hình phong trào phát triển hợp tác xã; đồng thời tiến hành song song các mặt công tác văn hóa, giáo dục, trị an, quốc phòng, coi đó là nội dung toàn diện về cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội cũng chỉ rõ phải “Tích cực củng cố Đảng, đặc biệt quan tâm về công tác tư tưởng, giáo dục chính trị cho cán bộ và đảng viên từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng về mặt tổ chức, phát triển đảng viên, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật. Các cấp uỷ Đảng phải đi sâu, chỉ đạo cụ thể từng ngành, từng mặt công tác, giữ gìn đoàn kết, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng bộ, trong các cấp uỷ và đảng viên”.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 25 đồng chí, trong đó có 19 ủy viên chính thức. Đồng chí Lê Quang Tuấn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

 4. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ IV (1960)

Đầu tháng 6 năm 1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (vòng 1) được tiến hành. Đại hội đã thảo luận và nhất trí với Trung ương về đường lối, nhiệm vụ cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà; thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương, Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Đại hội cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- văn hóa của tỉnh nhiệm kỳ IV để quyết định ở Đại hội vòng II và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Từ ngày 20/2 đến 1/3/1961, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ IV (vòng 2) được tổ chức; có 199 đại biểu chính thức và 28 đại biểu dự khuyết. Các đại biểu đã nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 về kế hoạch Nhà nước, kiểm điểm tình hình mọi mặt trong hai năm 1959- 1960 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1961- năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách vững chắc, mà trọng tâm là đảm bảo tự túc lương thực, nâng cao một bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đại hội đã bầu vào Ban chấp hành mới của Đảng bộ tỉnh gồm 25 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Trần Đoàn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

 5. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ V (1963)

Được tiến hành từ ngày 26/6 đến 2/7/1963, với sự tham gia của 207 đại biểu chính thức và 12 đại biểu dự khuyết. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong 3 năm 1963- 1965 là: “Nêu cao ý thức cần, kiệm, tinh thần tự lực cánh sinh, tập trung sức xây dựng từng bước cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành kinh tế, trước hết là nông nghiệp, công nghiệp. Nắm vững và tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp  là trọng tâm, làm cơ sở thuận lợi để phát triển công nghiệp, đồng thời ra sức đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành kinh tế, văn hóa, phấn đấu khắc phục dần sự mất cân đối, đảm bảo các ngành kinh tế, văn hóa tiếp tục phát triển theo phương châm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Đại hội đã bầu vào Ban chấp hành mới gồm 23 uỷ viên. Đồng chí Trần Đoàn được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ V là một mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành cả về tư tưởng chính trị và tổ chức của Đảng bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất.

 6. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ I (1968)

Diễn ra từ ngày 3 đến ngày 8/6/1968, Đại hội đã tập trung thảo luận, ra Nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ chung của Đảng bộ trong 3 năm (1968- 1970) nhằm “quyết tâm xây dựng nền kinh tế địa phương lớn mạnh, có nông nghiệp và công nghiệp phát triển, tăng cường công tác quân sự địa phương và giữ vững trật tự an ninh, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu chi viện tiền tuyến, chú trọng bồi dưỡng sức dân; ra sức xây dựng chính quyền, đoàn thể quần chúng và xây dựng Đảng bộ vững mạnh; bảo đảm chiến đấu, chiến thắng địch họa, thiên tại trong mọi tình huống và tích cực chuyển hướng kịp thời khi có điều kiện thuận lợi”.

Đại hội đã bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ mới gồm 35 uỷ viên, đồng chí Phan Điền được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Trần Đoàn và Vũ Thiện làm Phó bí thư.

7. Đại hội đại biểu  Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ II (1972)

Đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 42 thành lập Đảng (3/2/1972), Đại hội Đảng bộ Nam Hà lần thứ II khai mạc. Đại hội đã nêu phương hướng chung cho 2 năm 1972- 1973 là: “Phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, nêu cao tinh thần dựa vào sức mình là chính, động viên Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức xây dựng củng cố địa phương, phục vụ tiền tuyến; phát triển kinh tế, văn hóa, tổ chức tốt đời sống, tập trung cao độ phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng nhanh sản xuất lương thực và đẩy mạnh sản xuất thực phẩm; phát triển công nghiệp địa phương, tăng nhanh vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng xuất khẩu và phát triển giao thông, vận tải. Ra sức xây dựng Đảng bộ vững mạnh, nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy chức năng quản lý chính quyền và quyền làm chủ tập thể của nhân dân, tăng cường quản lý kinh tế và chấp hành pháp chế, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị”…

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 35 ủy viên, đồng chí Phan Điền được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

 8. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ III (1975)

Trong không khí tưng bừng phấn khởi mừng Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, từ ngày 23 đến ngày 28/6/1975, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ III được tiến hành tại thành phố Nam Định với sự tham gia của 402 đại biểu. Đại hội đã nhất trí khẳng định những thành tựu đã đạt được từ năm 1972 đến 1975 và đề ra nhiệm vụ chung cho các năm tới theo hướng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của nhân dân và hiệu lực quản lý của chính quyền, thấu suốt tư tưởng cách mạng tiến công, ý thức tự lực cánh sinh, tinh thần khắc phục khó khăn, ra sức khai thác và sử dụng mọi tiềm năng, quyết tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và các ngành, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự phân công lao động xã hội mới theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo làm tròn nghĩa vụ với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước và cải thiện một bước đời sống nhân dân. Kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phong, tăng cường công tác quân sự địa phương, đảm bảo tốt an ninh chính trị và trật tự trị an, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 37 ủy viên. Đồng chí Phan Điền được tái cử chức vụ Bí thư.

 9. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I (1976)

Diễn ra từ ngày 10 đến ngày 21/11/1976, Đảng bộ Hà Nam Ninh tiến hành Đai hội đại biểu lần thứ I (vòng 1). Dự Đại hội có 700 đại biểu. Đại hội tập trung nghiên cứu, thảo luận đề cương Báo cáo chính trị, dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) do Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá III chuẩn bị, trình Đại hội lần thứ IV của Đảng. Đại hội bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, gồm 41 đại biểu chính thức (trong đó có 9 đại biểu Trung ương giới thiệu) và 4 đại biểu dự khuyết.

Từ ngày 21 đến ngày 30/4/1977, Đảng bộ Hà Nam Ninh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ I (vòng 2), có 700 đại biểu về dự. Các đại biểu nghe thông báo kết quả Đại hội IV của Đảng, nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ sau hơn một năm hợp nhất tỉnh và phương hướng, nhiệm vụ kết hoạch 2 năm (1977- 1978) và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ (1976- 1980).

Phương hướng, nhiệm cụ chung của Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh trong 5 năm (1976- 1980) được Đại hội xác định: “Tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, lấy cơ khí hoá làm khâu trung tâm; tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý kinh tế theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa nhằm khai thác tốt  mọi tiềm lực về lao động, đất đai, tài nguyên, phát huy thế mạnh của ba vùng kinh tế trong tỉnh; ra sức đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, trước hết giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm và phân bố sử dụng lao động, nhanh chóng hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, tiêu dùng trong tỉnh với đóng góp cho Nhà nước và xuất khẩu, kinh tế và quốc phòng, phấn đấu xây dựng Hà Nam Ninh sớm trở thành một tỉnh công- nông nghiệp, có quốc phòng địa phương vững mạnh, có đời sống vật chất, văn hóa phong phú, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa I gồm 39 uỷ viên (35 uỷ viên chính thức, 4 uỷ viên dự khuyết). Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, bầu đồng chí Phan Điền làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Tạ Quang và Trần Văn Soạn làm Phó bí thư Tỉnh uỷ.

10. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ II (1979)

Từ ngày 26 đến ngày 30/11/1979, Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh tiến hành Đại hội lần thứ II. Dự Đại hội có 500 đại biểu. Đại hội thông qua phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu hai năm 1980- 1981 theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) về 3 nhiệm vụ cấp bách trước mắt là: Đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân nhân; tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong kinh tế và xã hội, tiếp tục xây dựng những cơ sở vật chất- kỹ thuật cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và chuẩn bị điều kiện phát triển cho những năm sau.

Đại hội nêu rõ: “Phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện chuyên chính vô sản, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, gắn chặt kinh tế với quốc phòng, tập trung sức đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu bảo đảm ổn định đời sống nhân dân; tăng cường công tác quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội…; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực của chính quyền và chức năng của các đoàn thể, trọng tâm là củng cố cơ sở và kiện toàn cấp huyện, phấn đấu xây dựng Hà Nam Ninh thành tỉnh có nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp phát triển, bảo đảm vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, có văn hóa, khoa học- kỹ thuật tiến bộ và có Đảng bộ vững mạnh”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 uỷ viên. Ban Chấp hành họp phiên thứ nhất bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ và bầu đồng chí Tạ Hồng Thanh làm Bí thư Tỉnh uỷ.

 11. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III (1982)

Từ ngày 8 đến ngày 16/1/1982, Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III (vòng 1). Đại hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội lần thứ V của Đảng và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng gồm 46 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết.

Sau Đại hội lần thứ V của Đảng, từ ngày 25 đến ngày 29/3/1983, diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III (vòng 2). Dự Đại hội có 507 đại biểu. Đại hội đề ra phương hướng: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt; phát huy tinh thần tự lực tự cường, tận dụng khai thác mọi nguồn lực lao động, đất đai, rừng biển, ngành nghề...vv. Về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1981-1985) là: Kết hợp phát triển một bước, tiến hành sắp xếp lại các ngành kinh tế theo phương hướng, cơ cấu và bước đi đúng; tập trung trước hết vào mặt trận sản xuất nông nghiệp, bảo đảm giải quyết vấn đề lương thực- thực phẩm trên lãnh thổ, tăng nhanh các nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là từ nông nghiệp để đẩy mạnh sản xuất hàn tiêu dùng và xuất, nhập khẩu. Đẩy mạnh công tác khoa học - kỹ thuật và đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kinh tế kỹ thuật. Tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, thể thao, thông tin báo chí... đáp ứng yêu cầu sản xuất, xây dựng con người mới, đời sống mới. Tăng cường quốc phòng, an ninh và kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực. Củng cố chính quyền nhân dân, tăng cường công tác quần chúng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.

Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 47 đồng chí, trong đó 43 đồng chí là uỷ viên chính thức, 4 đồng chí là uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn An được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

  12. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV (1986)

Từ ngày 21 đến ngày 25/10/1986, Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IV.

Về phương hướng chung 5 năm (1986- 1990), Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động cách mạng, tập trung đẩy mạnh sản xuất, thật sự lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, trọng tâm là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; xây dựng cơ cấu kinh tế nông- công nghiệp gắn bó chặt chẽ với xuất- nhập khẩu; kết hợp chặt chẽ kinh tế- xã hội với quốc phòng, an ninh, nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và năng lực sáng tạo của nhân dân lao động, đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của ba cùng kinh tế trong tỉnh, từng bước ổn định và từng bước cải thiện đời sống, tạo nguồn tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bước phát triển mạnh mẽ trong những năm sau”.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IV gồm 65 đồng chí, trong đó 51 uỷ viên chính thức, 14 uỷ viên dự khuyết và bầu đoàn Đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng gồm 45 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IV họp phiên đầu tiên vào sáng 25/10/1986, bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn An- Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Tô Xuân Toàn làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy.

13. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ VIII (1992)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ VIII  được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12/8/1992; dự  Đại hội có 366 đại biểu.

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của 5 năm (1991- 1995) là: Giữ vững ổn định chính trị- xã hội, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Triển khai đồng bộ cơ chế quản lý mới, giải phóng triệt để mọi năng lực sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, xuất khẩu hợp lý, có hiệu quả. Giải quyết việc làm cho người lao động, giảm mạnh nhịp độ tăng dân số. Nâng cao chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục, tăng cường sức khoẻ, nâng cao hưởng thụ văn hóa và trình độ dân trí cho nhân dân phù hợp với nền kinh tế. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đổi mới hoạt động của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII gồm 47 đồng chí. Ngày 12/8/1992, Ban Chấp hành Đảng bộ họp phiên toàn thể lần thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Bùi Xuân Sơn- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

 14. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ IX (1996)

Được tiến hành từ ngày 7 đến ngày 9/5/1996. Dự Đại hội có 349 đại biểu.

Đại hội thảo luận, thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII; kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII và báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội VIII của Đảng. Đại hội bầu 49 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX, trong đó có 11 đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành mới tham gia lần đầu, chiếm 22,4%; có 4 đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành là nữ.

Đại hội đã bầu đoàn đại biểu gồm 28 đồng chí của Đảng bộ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Ngày 9/5/1996, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 13 đồng chí, đồng chí Trần Minh Ngọc được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ.

15. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XV (1998)

Từ ngày 2 đến ngày 5/7/1998, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XV đã được tiến hành. Dự đại hội có 258 đại biểu. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười, các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Xuân Mỹ; Đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã đọc diễn văn khai mạc và báo cáo của Ban Chấp hành trước đại hội.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1997. Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 3 năm (1998- 2000), báo cáo nêu rõ: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng thâm canh tăng vụ, tăng nhanh nông sản hàng hoá, đảm bảo vững chắc về lương thực và các nhu cầu khác. Khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nguồn tài nguyên đá vôi và đất sét. Tăng cường đầu tư phát triển mạnh công nghiệp sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng, coi đây là ngành công nghiệp chủ lực có tính chất mũi nhọn của tỉnh, trước mắt cũng như lâu dài. Phát triển công nghiệp dệt, may, chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí, mở rộng làng nghề, tích cực thu hút đầu tư từ các nguồn liên doanh kết hợp trong và ngoài nước. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc. Phấn đấu đưa Hà nam thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV gồm 39 đồng chí, đồng chí Phạm Quang Nghị - Uỷ viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
 
16. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVI (2000)

Được tiến hành từ ngày 15 đến ngày 17/12/2000. Đại hội có 259 đại biểu về dự.

Về phương hướng 5 năm (2001- 2005), Đại hội xác định: “Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng sản phẩm hàng hoá; đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu để thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả. Tiếp tục sắp xếp và đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước. Củng cố, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, phi nông nghiệp theo Luật hợp tác xã. Tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, giáo dục- đào tạo, đặc biệt coi trọng phát huy nguồn lực con người. Tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc về việc làm, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm trật tự kỷ cương, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng- an ninh vững chắc. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra”.

Đại hội đã bầu 41 đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI, 14 đồng chí đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
 
17. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVII (2005)

Được diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/12/2005. Tham dự Đại hội có 280 đại biểu, đại diện cho gần 40.000 Đảng viên trong tỉnh. Đồng chí Vũ Khoan, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đã đến dự Đại hội.

Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 5 năm (2006- 2010): “Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Huy động có hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, chăm lo nguồn lực con người, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XVII gồm 45 đồng chí, bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X gồm 14 đồng chí. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 1 (họp tối ngày 20/12/2005) đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 11 đồng chí; bầu đồng chí Đinh Văn Cương làm Bí thư Tỉnh uỷ. Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định quyết tâm  của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh trên con đường thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá trên quê hương Hà Nam trong thế kỷ XXI.
 
18. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVIII (2010)

Được diễn ra từ ngày 17 đến ngày 17/10/2010. Tham dự Đại hội có 315 đại biểu. Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã về dự Đại hội. Các đồng chí: Nguyễn Thị Doan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trung tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ quốc phòng; Nguyễn Văn An - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương đã về dự.

Báo cáo chính trị tại đại hội đã nêu rõ: Trong nhiệm kì, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Kinh tế có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng cao (đạt 13%/năm); GDP bình quân đầu người đạt 16,43 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005; thu ngân sách bình quân đạt 26,4%, tăng hơn 3 lần so với năm 2005; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 39,6% (năm 2005) lên 47,5% (năm 2010) và giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 28,5% còn 21%; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn được đầu tư phát triển mạnh; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng địa phương được tăng cường…

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ tới: Phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững, trọng tâm là công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp trong các khu công nghiệp; Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; Phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả ; Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, đòng bộ, văn minh, bền vững.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2010- 2015 gồm 51 đồng chí và bầu đoàn đại biểu gồm 16 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 43 nghìn đảng viên của Đảng bộ tỉnh dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí, bầu đồng chí Trần Xuân Lộc giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí: Lê Văn Tân, Mai Tiến Dũng giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy.
 
19. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX (2015)

Đây là Đại hội mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2005 - 2010; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020; lựa chọn và bầu những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực để đảm đương những trọng trách do Đảng bộ, nhân dân giao phó vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đại hội sẽ diễn ra trong tháng 9 năm 2015.

Tác giả: Theo Tập san văn hóa Hà Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây