Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Luật có 10 chương, 96 điều.So với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có nhiều điểm mới như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước đối với 3 đối tượng là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách...
Ngành kiểm sát, với chức năng là cơ quan thực hành quyền công cố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, cụ thể:
- “Điều 86. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp…”
Như vậy, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; các cơ quan tiến hành tố tụngtrong đó có Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan Kiểm toán nhà nước, cũng như trách nhiệm phối hợp của các cơ quan này trong phòng, chống tham nhũng (PCTN).
- Bên cạnh đó, tại điều khoản 2 điều 91 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng đã quy định:
“Điều 91. Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng
2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam…”
Việc quy định trên nhằm phân định rõ trách nhiệm, cũng như việc phối hợp của các cơ quan trong thu hồi tài sản tham nhũng, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Việc thực hiện nhiệm vụ Cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng phù hợp và gắn liền với vai trò Cơ quan trung ương trong hoạt động Tương trợ tư pháp hình sự (TTTPHS) của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định tại Khoản 2 Điều 493 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Khoản 1 Điều 64 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và Hiệp định TTTPHS Việt Nam đã ký kết, tham gia với các nước.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tập trung vào việc hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự thông qua các hoạt động TTTPHS chính thức. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dântối cao có trách nhiệm tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu TTTPHS; xem xét, quyết định việc thực hiện và yêu cầu Viện kiểm sát nhân dânhoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện yêu cầu TTTPHS; từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu TTTPHS theo thẩm quyền.
Để thu hồi tài sản tham nhũng, các yêu cầu TTTPHS có thể đề nghị hỗ trợ thực hiện việc truy tìm, thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu và trả lại tài sản tham nhũng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.
Hiệu quả hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp không chỉ của phía nước ngoài mà còn của các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Vì vậy, Khoản 3 Điều 91 quy định Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dântối cao trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng.