Theo thống kê từ ngành chức năng, toàn tỉnh hiện còn trên 1.200 người nghiện có hồ sơ quản lý và hàng nghìn đối tượng nghi nghiện tại 116 xã, phường,thị trấn. Sự lây lan của tệ nạn ma túy ở địa bàn nông thôn kéo theo những phức tạp về trật tự an toàn xã hội và là nguyên nhân dẫn đến gia tăng một số hoạt động tội phạm như: trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, nhiều gia đình êm ấm bỗng trở nên tan cửa nát nhà khi có con sa đà vào nghiện hút ma túy. Trước thực trạng đó, trong những năm qua, cấp ủy chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, chỉ đạo các ngành, đoàn thể vào cuộc với nhiều biện pháp đồng bộ, cách làm phù hợp, quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy.
Trước đây xã Đại Cương (Kim Bảng) có khá đông thanh niên đi làm thợ mộc, đào đãi vàng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, khi trở về địa phương mang theo tệ nạn ma túy và lôi kéo nhiều thanh niên vào “vòng xoáy” của nghiện hút. Lúc cao điểm trên địa bàn xã có tới 45 - 50 người mắc nghiện và hàng chục điểm bán lẻ ma túy. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể trong xã đã quyết tâm đồng thuận thực hiện nhiều giải pháp tích cực bài trừ tệ nạn ma túy. Các thôn, xóm thành lập tổ tự quản thường xuyên tuần tra, canh gác, nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm ma túy để cung cấp thông tin cho lực lượng công an, đồng thời hình thành một hàng rào ngăn chặn không cho tệ nạn ma túy xâm nhập vào địa bàn. Các dòng họ, gia đình cũng tích cực vào cuộc với việc nhân rộng mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”. Với vai trò nòng cốt, lực lượng công an xã đã tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ mạnh, đấu tranh triệt xóa các tụ điểm bán lẻ ma túy để ngăn chặn “nguồn cung” cho đối tượng nghiện. Đồng thời, cùng gia đình có người nghiện phối hợp tuyên truyền, vận động quản lý giáo dục giúp đỡ các đối tượng từ bỏ ma túy. Riêng các đối tượng nghiện, Ban công an xã đứng ra bảo lãnh để họ được vay vốn phát triển sản xuất hoặc làm việc tại một số doanh nghiệp trên địa bàn. Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh ngăn chặn nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn xã đã được kiềm chế, số người nghiện giảm dần, các tụ điểm bán lẻ ma túy bị triệt phá. Hai năm qua trên địa bàn xã không có đối tượng nghiện mới phát sinh.
Cách làm đồng bộ cùng kết quả tích cực trên ở Đại Cương đã và đang được nhiều địa phương khác trong tỉnh nghiên cứu vận dụng. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cơ quan chuyên môn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức trong nhân dân về sự nguy hại của ma túy tới gia đình và xã hội. Lực lượng công an với vai trò nòng cốt đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ tấn công, trấn áp hoạt động của loại tội phạm ma túy, ngăn chặn việc mua bán vận chuyển ma túy vào địa bàn. Mặt khác, coi trọng công tác phát động phong trào quần chúng tham gia đẩy lùi tệ nạn ma túy thông qua việc xây dựng nhân rộng các mô hình tự quản có hiệu quả thiết thực như: Phong trào “Quần chúng đấu tranh, tố giác tội phạm về ma túy”; “ tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; Mô hình “Xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học không có tội phạm, tệ nạn ma túy, không có tệ nạn xã hội”; Mô hình “Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng”. Cùng với lực lượng công an, các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn cũng nêu cao vai trò, trách nhiệm tích cực chung tay với cuộc chiến ma túy. Trong đó, ủy ban mặt trận tổ quốc các cấp đã lồng ghép thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng”; Phong trào “ Xây dựng giáo xứ, giáo họ không có ma túy, không có tội phạm và tệ nạn ma túy”. Hội Liên hiệp phụ nữ làm tốt công tác quản lý, giáo dục định hướng cho con em, đẩy mạnh và thực hiện Phong trào “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội các cấp hội nông dân vận động gia đình và hội viên tham gia phòng chống tội phạm và tập trung xây dựng mô hình “ thôn, xóm không có tệ nạn ma túy, không tội phạm và tệ nạn xã hội”... Đặc biệt, trong những năm qua, các ngành chức năng và nhiều xã, thị trấn đã duy trì tốt công tác phối hợp phát động toàn dân tham gia vận động giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện. Hình thức cai nghiện cũng được đa dạng hóa cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng hoàn cảnh, qua đó góp phần cai nghiện thành công, góp phần đẩy lùi loại tội phạm và tệ nạn ma túy ngay tại địa bàn nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ đảng viên và nhân dân về nguy cơ tác hại hậu quả của tệ nạn ma túy để mỗi người tự giác tích cực tham gia phòng, chống và tự phòng chống, qua đó tạo nên phong trào hành động sâu rộng trong cộng đồng, từng bước giảm thiểu tệ nạn ma túy. Đồng thời, cần huy động sức mạn của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho các vùng quê.