Để thực hiện thành công, hiệu quả Đề án đổi mới công tác tiếp công dân trong ngành Kiểm sát phải đổi mới từ công tác bố trí, phân công, đào tào cán bộ chuyên sâu làm công tác tiếp công dân và đầu tư cơ sở vật chất cho công tác này. Trong đó đặc biệt quan tâm đến yếu tố đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân.
Việc tổ chức tiếp công dân bao gồm nhiều công việc. Trong đó trước hết là việc bố trí phòng chờ, phòng tiếp công dân, nhà vệ sinh, nhà công vụ, niêm yết Nội quy tiếp công dân, hòm thư tiếp nhận đơn, sổ sách ghi chép, các trang thiết bị cần thiết như tủ, bàn ghế, quạt điện, máy vi tính, máy ảnh, máy ghi âm vv... và việc phân công, bố trí cán bộ, kiểm tra viên, kiểm sát viên, Lãnh đạo viện tiếp công dân.
Một số cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương đã có trụ sở tiếp công dân riêng, tách ra khỏi trụ sở làm việc. Việc bố trí này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đến KNTC và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong trường hợp công dân khiếu kiện đông người hoặc gây rối trật tự. VKSNDTC cần sớm có chủ trương về việc bố trí trụ sở tiếp công dân riêng. Trụ sở tiếp công dân riêng được bố trí ở VKSNDTC và VKSND cấp tỉnh, theo một mô hình thiết kế kiến trúc chung. Trụ sở tiếp công dân của VKSNDTC và VKSND cấp tỉnh cần có lực lượng công an bảo vệ.
Về Nội quy tiếp công dân, VKSNDTC cần ban hành Nội quy tiếp công dân chung, chuẩn mực, quy định thực hiện thống nhất trong toàn ngành. Nội quy tiếp công dân quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên, kiểm tra viên, Lãnh đạo viện trong tiếp công dân, thời gian, lịch tiếp công dân, xử lý vi phạm nếu có vv..
Việc bố trí, phân công, lựa chọn cán bộ để làm công tác tiếp công dân là việc quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân. VKSND các cấp cần ưu tiên, bố trí những cán bộ, kiểm tra viên, kiểm sát viên có kinh nghiệm, đã trải qua các khâu nghiệp vụ của ngành để làm công tác này. Để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, người cán bộ tiếp công dân phải nắm vững các căn cứ pháp luật, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết nhất định trên nhiều lĩnh vực, có nghệ thuật giao tiếp và nhiều khi phải có tính kiên trì chịu đựng những áp lực từ thái độ bức xúc, gay gắt của công dân và biết xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra trong tiếp công dân.
Tóm lại, công tác tiếp công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải tuân thủ một cách chặt chẽ các quy định của pháp luật, đồng thời đặt ra cho cán bộ tiếp công dân yêu cầu sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo về phương pháp nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm xử lý tình huống vv..
Do đó, không có một khuôn mẫu cứng nhắc và cố định cho mọi trường hợp trong công tác tiếp công dân. Tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể mà cán bộ tiếp công dân phải có cách tiếp công dân phù hợp song vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc quy định của ngành và của pháp luật.Trong thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, VKSND các địa phương cần nắm chắc quy chế của ngành, quy định của pháp luật và yêu cầu của công tác tiếp công dân để nhận thức đúng, thực hiện tốt công tác tiếp dân.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi với các đồng chí, đồng nghiệp trong quá trình tham gia xây dựng Đề án đổi mới công tác tiếp công dân trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức của ngành kiểm sát nhân dân.