Kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm về buôn bán hàng giả
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự trên địa bàn huyện, VKSND huyện Bình Lục nhận thấy tình hình vi phạm, tội phạm về buôn bán hàng giả không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc là thuốc chữa bệnh có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả điều trị sức khỏe cho người bệnh, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Trong thời điểm từ ngày 01/01/2024 đến ngày 01/01/2025, các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 04 vụ “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” (tăng 04 vụ so với cùng kỳ năm trước), trong đó thống nhất xây dựng 02 vụ án trọng điểm về tội phạm này để điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Điển hình như vụ: Ngày 27/12/2023, Đoàn kiểm tra của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Đội quản lý thị trường số 1 - Cục quản lý thị trường tỉnh Hà Nam kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh Trần Thị H, sinh năm 1998 có địa chỉ tại thôn D, xã L, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Quá trình kiểm tra phát hiện H đang bán cho khách và bày bán trên kệ tổng số 107 lọ thuốc chữa bệnh loại Clorocid TW3 Cloramphenicol 250mg giả, hàm lượng hoạt chất chloramphenicol chứa trong mỗi viên nén không đạt tiêu chuẩn như nhãn trên ghi, tương đương với trị giá hàng thật là 19.272.000 đồng.
Kiểm sát viên kiểm sát hoạt động khám xét
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do một số cửa hàng kinh doanh thuốc biết rõ là thuốc giả, kém chất lượng nhưng vẫn bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, có các hành vi chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, đưa vào lưu thông các sản phẩm thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính; công nghệ sản xuất thuốc giả ngày càng phát triển, khó phân biệt, phát hiện nếu không giám định. Bên cạnh đó nhận thức của một số người tiêu dùng đối với thông tin các loại thuốc đang lưu hành còn hạn chế, chưa đủ kiến thức để phân biệt thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tâm lý quá tin tưởng vào các lời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan chức năng còn chưa kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, chưa phát huy tối đa hiệu quả…
Kiểm sát viên THQCT, kiểm sát xét xử sơ thẩm
Do vậy, Viện KSND huyện Bình Lục đã ban hành kiến nghị đối với Trưởng Phòng y tế huyện Bình Lục tăng cường các biện pháp quản lý nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh với các nội dung cụ thể như:
- Tăng cường công tác tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện quản lý Nhà nước về y tế, dược… trên địa bàn; chủ động xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc chữa bệnh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.
- Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân; thực hiện ký cam kết việc chấp hành pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Kiến nghị của VKSND huyện Bình Lục đã được Phòng y tế huyện Bình Lục tiếp thu và chỉ đạo thực hiện./.